Vì mưu sinh

Mãi hơn chín giờ đêm, chị Nguyễn Thị Vân, một người mẹ đơn thân (quê Quảng Bình, hiện làm nhân viên buồng phòng tại một khách sạn tư nhân), mới chở cậu con trai nhỏ trở về phòng trọ nằm trong con hẻm trên đường Điện Biên Phủ. Căn phòng ngăn nắp sạch sẽ, nhưng thiếu vắng “cái gì đó” nao nức, bồi hồi của những ngày cận Tết. Chị Vân cười buồn: “Lương nhân viên buồng phòng chẳng đáng là bao, nên nhiều năm rồi em không biết đến mùi vị Tết quê nhà. Nhiều người làm thuê, lương thấp như em không dám về, vì lấy đâu ra khoản chi phí để bù lại những ngày nghỉ Tết. Năm nay cũng vậy, mấy hôm nữa em gửi con về quê ăn Tết với ông bà ngoại. Con em còn quá bé, phải để cháu được hưởng ấm áp trong ngôi nhà của chính mình, dù sự sum họp đó vẫn còn “khuyết” vì xa mẹ. Còn em, ngoài công việc của khách sạn, thời gian rảnh trong mấy ngày Têt, đi phụ bếp thuê ở các nhà hàng, kiếm thêm chút tiền. Quần quật cả ngày, khuya về là nằm lăn ra ngủ. Vài hôm như vậy là Tết qua”.

Sinh viên Phạm Khang ở lại Huế chạy bàn làm thêm dịp Tết

Tuy đầy đủ vợ chồng con cái, nhưng chị Nguyễn Thị Nữ (mưu sinh bằng nghề làm móng tay, chân rong) vẫn ngậm ngùi vì cái Tết sắp tới không thể về nhà. “Cha mẹ em mất cả, chỉ còn cha mẹ chồng ở A Lưới. Tết được về nhà sum họp với cha mẹ, điều này vợ chồng em trông một, thì cha mẹ mong đợi bội phần. Nhưng vì hoàn cảnh, vợ chồng em vẫn phải ở lại thành phố trong căn phòng trọ gần chợ Cống. Chồng làm “thợ đụng” (công việc phổ thông, ai thuê gì làm nấy) nên bấp bênh. Phải “canh” những ngày cận Tết và sau Tết, ai gọi là có mình”. Công việc của chị Nữ cũng ăn nhờ vào những hôm cận Tết. Hàng ngày, chị Nữ kiếm được chừng dăm ba chục nghìn đồng, cộng với số tiền kiếm thêm của chồng nên cuộc sống gia đình ba người hết sức khó khăn. Vậy nên, cả hai phải cố tranh thủ những ngày cận Tết đắt khách hơn. “Ngày 30 Tết, khi không còn người thuê làm, em cũng sẽ ráng sắm chút bánh chưng, kẹo, mứt. Nhưng...” Hình dung phía sau câu nói bỏ nửa chừng của người phụ nữ này là hình ảnh căn phòng trọ chơ vơ trong dãy mươi căn phòng trọ mà tất cả mọi cánh cửa đều đóng im ỉm vì chủ nhân đã về quê ăn Tết.   

Ngậm ngùi

Anh Ngô Hà Trung, phụ trách ban thanh niên trường học tỉnh đoàn cho biết: tỉnh đoàn đã hỗ trợ cho 500 sinh viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn, thuộc các trường đại học trên địa bàn, vé xe về quê ăn tết (chiều đi). Mỗi sinh viên còn được hỗ trợ một phần quà gồm bánh, kẹo... Giá trị 200 nghìn đồng. Đơn vị cũng có kế hoạch thực hiện chương trình tặng quà cho các sinh viên khó khăn, ở lại huế làm thêm trong dịp tết, nhưng do đối tượng này không nhiều, lại ở trọ bên ngoài nhà dân, nên khó nắm thông tin. Từ thông tin của báo Thừa Thiên Huế, Tỉnh đoàn sẽ liên lạc, tặng quà, hỗ trợ tinh thần cho các em. 

Tính tình vui vẻ, hay cười, nhưng khi nhắc đến những ngày Tết phải xa nhà, bạn Phạm Khang (quê Quảng Trị), sinh viên năm thứ hai Trường đại học Nông lâm Huế cũng thoáng vẻ ngậm ngùi. Khang tâm sự, hai năm trong đời sinh viên, đây là cái Tết thứ hai bạn ở lại Huế để… làm thêm. “Thấy các bạn náo nức về quê, quây quần cùng cha mẹ, gia đình, em cứ nao nao buồn. Cha mẹ em là nông dân, tiền kiếm được vất vả lắm. Nghèo thì nghèo, năm nào gần Tết cha mẹ cũng liên tục gọi điện thoại thúc giục con về, nhưng nghĩ đến cảnh sau Tết, cha mẹ vất vả chạy vạy tiền cho con trở vào trường, em lại không nỡ”. Bạn Nguyễn Văn Trung (quê Quảng Nam) sinh viên cùng khóa với Khang, tiếp lời: “Cha mẹ nào cũng trông con cái về sum họp trong những ngày Tết. Thấy con người khác về mà con mình chưa về là bồn chồn không yên. Những sinh viên như em, cả năm đã xa nhà cặm cụi học rồi làm thêm, đến mấy ngày Tết cũng ở lại phòng trọ và đi làm thêm. Buồn lắm! Nhưng nếu về nhà thì phải tốn một khoản tiền tàu xe. Trong lúc ở lại vừa tiết kiệm được khoản đó, vừa kiếm thêm tiền, phụ lo chi phí ăn ở, cho cha mẹ đỡ vất vả, nên bọn em quyết định không về”.

Sinh viên tên Giáp (quê Hà Tĩnh) cùng “hội” ăn Tết xa nhà tâm sự: “Bận làm thêm, nên thời khắc “tết” nhất trong những ngày Tết xa quê là đêm 30, sau khi nhà hàng (nơi các bạn chạy bàn) hết khách đóng cửa, tụi em hòa vào dòng người đến Đại Nội, xem pháo hoa. Ngày mùng Một lại tất bật công việc cho đến khi hết Tết. Đồ ăn dự trữ của tụi em thường là mì gói. Tụi em cũng có thể mua bánh chưng, mứt... Nhưng nếu dọn những thức đó ra mà chỉ có mình trong căn phòng trọ thì thêm buồn. Nên thôi. ”

Linh hồn của Tết là sự sum họp gia đình. Mâm cỗ Tết dâng lên tổ tiên, có con cháu quây quần bên cha mẹ, ông bà, người thân, cùng chia sẻ, mới thực sự ngon, lành. Vậy mới hiểu nỗi lòng của Giáp, chị Vân... của những phận Tết xa nhà. “Em thấy lòng ấm áp nhất, “Tết” nhất là những lúc nghe giọng bi bô nũng nịu của con trai, giọng nói yêu thương của cha mẹ trong điện thoại kể chuyện Tết của nhà, của quê…”. Cuối câu chuyện về những ngày Tết xa nhà, khi nói đến những điều này, mặt chị Vân mới rạng rỡ hẳn lên.

Phạm Thùy Chi