Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được người dân áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả tích cực

Trưởng thành qua luân chuyển

Anh Đoàn Thanh Hùng (sinh năm 1984), Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện A Lưới được luân chuyển làm Phó Chủ tịch UBND thị trấn A Lưới và nay là UVTV Huyện ủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn A Lưới. “Trên cương vị mới, anh Đoàn Thanh Hùng đã cùng với tập thể Đảng ủy thị trấn lãnh đạo và vận động Nhân dân xây dựng thị trấn ngày càng khang trang, phát triển rõ rệt” - ông Lê Thanh Nam khẳng định.

Tuyến đường Nguyễn Văn Hoạch giao với đường Hồ Chí Minh ở tổ dân phố 4, thị trấn A Lưới, được thảm nhựa rộng 9m vốn trước đây chỉ là con đường đất rất nhỏ. Sau khi có chủ trương đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, anh Đoàn Thanh Hùng đã cùng với tập thể chính quyền địa phương bàn bạc thành lập các tổ công tác dân vận trực tiếp về tận nhà dân tuyên truyền, vận động bà con hưởng ứng chủ trương hiến đất làm đường. Công tác vận động được tiến hành kiên trì, mềm dẻo, khéo léo, thuyết phục để bà con thấy được lợi ích khi tuyến đường mở rộng sẽ làm giá đất tăng lên, giao thương buôn bán thuận lợi hơn…

Anh Hùng khẳng định: Trước khi đi tận ngõ, gõ tận nhà dân thì chính những thành viên trong tổ dân vận phải là người tiên phong, mạnh dạn hiến đất, tài sản trên đất, rồi vận động người thân, họ hàng và xóm giềng cùng tham gia.

Nhiều người dân ở thị trấn A Lưới không còn tính toán thiệt hơn, hầu hết các hộ có đường đi ngang qua nhà mình đều sẵn sàng hiến 100% đất và cây cối mà không có bất cứ yêu cầu, đòi hỏi nào. Riêng tuyến đường Hồ Huấn Nghiệp ở tổ dân phố 6, khi mở rộng đã có gần 50 hộ hiến đất và tài sản trên đất, không nhận một đồng đền bù nào.

Ngoài làm tốt công tác dân vận, anh Đoàn Thanh Hùng đã cùng với tập thể kịp thời cụ thể hoá các nghị quyết của Huyện ủy sát hợp với tình hình thực tế tại địa phương, giải quyết tốt các vấn đề khó khăn, vướng mắc, nhất là quá trình lồng ghép thực hiện các dự án, chương trình trọng điểm, chú trọng công tác quản lý chỉnh trang đô thị A Lưới.

Là một trong số các tri thức trẻ trước đây được tuyển dụng làm Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Bắc, đến nay, chị Hồ Thị Thắng được luân chuyển làm Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - lâm - ngư huyện A Lưới. Để giúp đồng bào nắm bắt khoa học kỹ thuật, không quản ngại đường sá xa xôi, cách trở, chị Hồ Thị Thắng thường xuyên về với đồng bào ở các thôn, bản. Tại đây, tùy vào từng thời vụ, từng giai đoạn phát triển của cây trồng, vật nuôi, chị cùng cán bộ khuyến nông hướng dẫn cho bà con từng khâu của quy trình sản xuất, chăn nuôi. Không chỉ lý thuyết, việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được chị và đội ngũ khuyến nông viên triển khai ngay tại chuồng trại, đồng ruộng... theo phương thức bắt tay chỉ việc.

Hiệu quả nhiều mặt

Ông Lê Thanh Nam cho biết: Để công tác luân chuyển cán bộ phát huy hiệu quả, các ban, ngành chuyên môn đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện theo hướng khách quan, dân chủ, công khai, đảm bảo theo phương châm “động” và “mở”. Trong quá trình thực hiện, việc xây dựng kế hoạch, tiến hành rà soát đánh giá lại đội ngũ cán bộ, lựa chọn cán bộ trong diện quy hoạch, xem xét trình độ, năng lực sở trường của mỗi cán bộ và yêu cầu cán bộ của từng địa phương, đơn vị để xác định nơi luân chuyển, bố trí nơi công tác phù hợp… luôn được Huyện ủy quan tâm, chú trọng.

Cũng theo ông Lê Thanh Nam, trong 7 năm qua đã có 66 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý được điều động, luân chuyển. Trong đó, cán bộ luân chuyển từ huyện về xã có 8 đồng chí, 4 đồng chí điều động từ xã lên huyện, 53 đồng chí được điều động ngang, 1 đồng chí điều động từ xã này sang xã khác… Mỗi lần điều động, luân chuyển, đều tổ chức gặp mặt động viên, lắng nghe ý kiến của cán bộ được điều động, luân chuyển. Đồng thời, làm tốt công tác xây dựng, rà soát quy hoạch cán bộ, gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, củng cố, kiện toàn bộ máy lãnh đạo của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.

Công tác điều động, luân chuyển cán bộ ở A Lưới đã tạo chuyển biến quan trọng trong nhận thức đối với cán bộ, đảng viên. Qua đó, khắc phục được tư tưởng bảo thủ, trì trệ, cục bộ dòng họ, địa phương, tạo bước đột phá trong công tác bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, tạo sự liên thông, động lực trong học tập và công tác của cán bộ từ huyện đến cơ sở và cơ hội để cán bộ phấn đấu vươn lên.

Bài, ảnh: Bá Trí