Học sinh Trường Dân tộc nội trú huyện Nam Đông
Khi trẻ chuẩn bị vào lớp 1, các em đã được tăng cường khả năng nghe nói, giao tiếp bằng tiếng Việt. Học tiếng Việt đối với học sinh người dân tộc đã là ngôn ngữ thứ hai nên không chỉ vất vả cho bản thân mà ngay đội ngũ giáo viên cũng gặp khó. Họ phải là người địa phương hoặc phải biết sử dụng tiếng dân tộc của học sinh mới thuận tiện trong giảng dạy cũng như giao tiếp.
Với các em học sinh người dân tộc thiểu số, việc học bất kỳ ngôn ngữ quốc tế nào cũng trở thành ngôn ngữ thứ ba. Thế nên, dạy tiếng Anh cho học sinh, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được triển khai từ lớp 3, tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương. Bên cạnh đó, còn có những dự án dạy tăng cường (HS lớp 3, 4 và 5) hoặc làm quen với tiếng Anh cho HS lớp 1 và 2.
Huyện Nam Đông có 100% trường đều dạy tiếng Anh (từ lớp 3 đến lớp 5) theo chương trình tiếng Anh hệ 10 năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo; trong đó, có 7 trường dạy tiếng Anh từ lớp 1 và 2. Đa số, học sinh người dân tộc tiếp cận với công nghệ thông tin khó khăn nên vốn từ vựng, kiến thức, kỹ năng của các em rất hạn chế. Hơn nữa, các em không mạnh dạn, đọc sợ sai, lại thiếu kỹ năng giao tiếp và lĩnh hội thông tin chưa được tốt, nên việc dạy - học tiếng Anh đối với giáo viên và học sinh còn nhiều khó khăn. Đa số, học sinh chỉ học tiếng Anh ở trên lớp, chưa tự học ngoài giờ và ngại giao tiếp tiếng Anh với các bạn.
Hạn chế về lỗi phát âm cũng như điều kiện học tập, trình độ giáo viên nên việc học tiếng Anh của các em lại càng khó khăn bội phần. Các em phát âm hay bị nhầm sang tiếng mẹ đẻ nên việc nhớ từ mới rất khó khăn. Ở hai huyện Nam Đông và A Lưới, nhiều học sinh lớp 7 và 8 vẫn không biết giới thiệu về mình bằng những câu đơn giản, mặc dù các em học chương trình từ lớp 1.
Em Hồ Thị Lê, học sinh Trường THCS Hồng Vân (A Lưới), kể: “Học tiếng Anh khó lắm, từ cách đọc, cách viết đến hiểu nghĩa của từ. Học trên lớp xong về nhà em lại quên nhưng không biết hỏi ai cách đọc cho đúng”. Theo nhiều giáo viên dạy ngoại ngữ ở A Lưới, khó khăn nhất của học sinh dân tộc thiểu số là các em yếu phần ngữ pháp cũng như thuộc rất ít từ vựng. Nhiều em phát âm từ không đúng do đặc trưng về khẩu hình ngôn ngữ. Giáo viên phải kiên trì hướng dẫn.
Dạy tiếng Anh cho học sinh dân tộc hầu như thiếu thốn trăm bề. Nhiều trường vẫn dạy “chay” trong sách giáo khoa, thầy đọc trò nghe là chủ yếu. Không ít trường chưa có phòng luyện âm, trang thiết bị máy nghe thì hạn chế… Sách truyện thiếu thốn đặc biệt các loại sách bổ trợ học tốt, nâng cao khả năng tiếng Anh cho các em lại càng quý hiếm. HS ít có môi trường giao tiếp cũng như điều kiện tối thiểu để học tiếng Anh tốt hơn.
Dạy học tiếng Anh trong các trường nội trú vẫn mang nặng tư tưởng ứng thí, kể cả khi thi cuối cấp và thi vào đại học vẫn chỉ tập trung vào ngữ pháp, đọc và dịch. “Các chủ đề trong sách giáo khoa tiếng Anh phù hợp nhưng những từ mới liên quan đến cuộc sống hiện đại mà các em chưa từng tiếp xúc nên giáo viên mất khá nhiều thời gian để giải thích. Tranh ảnh minh họa lại không có, giáo viên tự tìm, rồi phô tô về cho học sinh xem”, cô giáo Lê Thị Thu Hằng, giáo viên Trường Dân tộc nội trú huyện Nam Đông trao đổi.
“Cái khó ló cái khôn”, nhiều giáo viên đã tạo không khí học tập và các mối quan hệ trong nhóm/lớp, tránh gây áp lực. Giáo viên đưa ra những yêu cầu khá đơn giản. Chẳng hạn, tận dụng mọi cơ hội có thể để học sinh tiếp xúc với vật thật, tình huống thực, sử dụng các công cụ dạy học để “đưa” học sinh lại gần đời sống thực tế.
Trong chương trình tiếng Anh mới, các hoạt động của tiết học nói - viết còn chú trọng đến ý tưởng của riêng cá nhân từng học sinh. Vì vậy, nhiều giáo viên khuyến khích các em đưa ra ý kiến của mình cũng làm cho tiết học bớt căng thẳng hơn và các em dần tự tin hơn. Học sinh được tạo điều kiện lựa chọn hoạt động theo sở thích; tham gia xây dựng kế hoạch và đánh giá bài học... Giáo viên hình thành các nhóm, các cặp đôi để học sinh giúp đỡ và sửa chữa cho nhau, sau đó kiểm tra lại, nhận xét cho các em. Khi kiểm tra từ vựng, giáo viên kiểm tra theo các tiêu chí: Cách viết, nghĩa của từ và cách đọc của các em.
Đã có nhiều những tín hiệu vui, song có thể thấy dạy và học tiếng Anh dành cho học sinh người dân tộc vẫn còn quá nhiều khó khăn. Với tư cách là ngôn ngữ phải học thứ ba trong nhà trường, muốn đạt hiệu quả như mong muốn, đòi hỏi phải có sự đầu tư và nỗ lực bội phần. Tuy nhiên, đó lại là điều mà các địa phương vùng dân tộc và ngành giáo dục vẫn lúng túng, bị động và đang thực sự gặp khó.
Bài, ảnh: Huế Thu