Một dây chuyền sản xuất giày, dép xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Tuy nhiên, IMF nhận định nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng 4,7% cho hai năm 2018 và 2019, với triển vọng đi lên khiêm tốn trong ngắn hạn.

Đối với khu vực ASEAN 5 (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam), tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ đạt 5,3% trong năm 2018, trước khi giảm xuống 5,2% vào năm 2019.

So với hồi tháng Bảy, dự báo tăng trưởng của năm 2019 cho khu vực này đã bị hạ 0,2 điểm phần trăm, phản ánh những tác động kinh tế đến từ những căng thẳng thương mại trong thời gian gần đây.

Với Việt Nam, IMF vẫn duy trì các dự báo đưa ra trước đó, với tăng trưởng GDP năm 2018 và 2019 dự kiến lần lượt đạt 6,6% và 6,5%.

Lạm phát của Việt Nam ước sẽ vào khoảng 3,8% năm 2018 và nhích lên 4% vào năm tới, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ổn định ở mức 2,2% cho năm nay và năm 2019.

Nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự đoán sẽ giảm từ mức tăng 6,9% trong năm 2017 xuống 6,6% vào năm 2018 và 6,2% năm 2019 (giảm 0,2 điểm so với dự báo tháng Bảy).

Theo IMF, việc hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 của Trung Quốc là do tác động tiêu cực của các biện pháp thuế quan gần đây.

Trong trung hạn, nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự báo sẽ dần dần giảm xuống 5,6%, khi Trung Quốc tiếp tục quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững hơn thông qua giảm thiểu rủi ro tài chính và kiểm soát vấn đề môi trường.

Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ tăng từ mức 6,7% năm 2017 lên 7,3% trong năm 2018. Sau đó, con số này dự kiến tăng nhẹ lên 7,4% sang năm tới, dù thấp hơn một chút so với mức đưa ra trong báo cáo hồi tháng 4/2018 do giá dầu tăng cũng như sự thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu.

Diễn biến đó phản ánh sự phục hồi của Ấn Độ sau những cú sốc tạm thời (chính sách đổi tiền và áp dụng Thuế Hàng hóa và Dịch vụ), cũng như nhờ hoạt động đầu tư và tiêu dùng cá nhân tăng khá mạnh.

Theo TTXVN