Thời gian khách vào tham quan Đại Nội đang giảm, chỉ còn khoảng 1-2 tiếng đồng hồ

Nhân tố quyết định

Chia sẻ gần đây trong chuyến công tác tại Huế, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch - Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, đặt lên bàn cân để có một phép so sánh thật sự sòng phẳng, đến hiện tại, Huế vẫn là điểm đến không thể thay thế trên bản đồ du lịch của Việt Nam, bởi bề dày văn hóa và hệ thống di sản đồ sộ. Huế đang nắm lợi thế, nhưng tốc độ phát triển của du lịch chậm hơn so với tốc độ của cả nước.

Điều này những người làm du lịch ở Huế không phải không nhận ra. Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch nhìn nhận, dưới góc nhìn của các doanh nghiệp (DN), chất lượng của du lịch Huế chưa cao, chưa thực sự hấp dẫn khách du lịch; công tác khai thác và phát triển sản phẩm chưa đồng bộ do thiếu các nhà đầu tư có thương hiệu, tầm cỡ…

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, trong du lịch, sản phẩm là yếu tố cốt lõi, tiên quyết cho sự phát triển; sản phẩm cũng là lý do khiến du khách đến và mục đích của các chuyến đi du lịch. Trong sản phẩm du lịch, sự khác biệt, nổi bật tạo nên sức hút của điểm đến. Đối với Huế, tính nổi bật và khác biệt của các sản phẩm rất rõ rệt, như hệ thống di sản vật thể và phi vật thể, sông Hương, biển Lăng Cô, núi Bạch Mã, ẩm thực khi chiếm đến 65% trong tổng số 2.800 món ăn của cả nước… Các sản phẩm của Huế ít đổi mới và ít sáng tạo, khiến sức hút giảm dần.

Vấn đề sức hút của các sản phẩm du lịch Huế giảm được phân tích rất nhiều lần. Gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chia sẻ thêm thông tin, thời gian tham quan ở các điểm di tích của du khách bị rút ngắn lại. Như trước đây, thời gian mà các DN đưa khách vào Đại Nội đến nửa ngày, nhưng gần đây, cắt giảm thời gian tham quan, chỉ còn khoảng 1 - 2 tiếng đồng hồ. Trung tâm Phát triển dịch vụ Di tích Huế thẳng thắn nhìn nhận, có lẽ các dịch vụ, sản phẩm không còn đủ sức hút, lôi cuốn khách.

Trong phát triển sản phẩm du lịch, có hai con đường để đi đến đích, đó là xây dựng những sản phẩm mới và làm mới sản phẩm trên nền móng cũ. Ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, riêng với Huế, khách đến phần lớn là bởi sức hút từ di sản, do đó, trước khi tính toán những sản phẩm mới, cần làm mới các di sản văn hóa.

Quy hoạch phát triển sản phẩm chưa lúc nào là muộn. Các DN đang giữ những con số đưa khách về Huế cao nhất góp ý, ngay từ bay giờ, Huế cần định hướng rõ con đường phát triển. Chỉ khi có quy hoạch thì các sản phẩm ra đời mới đáp ứng được nhu cầu của khách, chất lượng và không “dẫm đạp” lên nhau. Huế cần xây dựng cơ chế, hỗ trợ còn DN xây dựng sản phẩm, bởi DN là chủ thể chính trong phát triển du lịch của mỗi điểm đến.

Cầu Trường Tiền cũng được định hướng trở thành phố đi bộ vào ban đêm dịp cuối tuần

“Mỗi năm mỗi sản phẩm”

Để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030, ngành du lịch đặt ra mục tiêu xây dựng “mỗi năm một sản phẩm”. Không cần phải quá nhiều, mỗi năm chỉ cần tập trung nguồn lực để xây dựng một sản phẩm thật sự chất lượng, nổi bật. Qua vài năm, Huế phấn đấu có được vài sản phẩm đủ tầm để xoay chuyển ngành du lịch Huế.

Sản phẩm đầu tiên của kế hoạch này là đưa vào hoạt động phố đi bộ Phạm Ngũ Lão – Chu Văn An – Võ Thị Sáu từ cuối năm 2017. Dù còn những hạn chế nhất định, nhưng nhìn chung đã tạo ra không gian “sống” về đêm cho du khách khi đến Huế. Dự kiến, trong năm 2018, sản phẩm được lựa chọn xây dựng là biến cầu Trường Tiền thành phố đi bộ vào cuối tuần, trên cầu mở các dịch vụ về ăn uống để ngắm sông Hương. Cùng với đó, nối dài phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Trịnh Công Sơn tạo ra một không gian rộng lớn, rộn ràng vào dịp cuối tuần. Nhưng đến nay, sản phẩm này vẫn chưa thể hình thành.

Mới đây, các ngành liên quan đề xuất sản phẩm “đinh” cho năm 2019 là xây dựng thêm một phố đi bộ cùng các dịch vụ bổ trợ tại khu vực bên cạnh Đại Nội, đường Đoàn Thị Điểm và khu vực quanh công viên Nguyễn Văn Trỗi. Các năm tiếp theo là các sản phẩm trên sông Hương. Xây dựng sản phẩm du lịch mới bằng việc kết nối chuỗi các bảo tàng và các trung tâm nghệ thuật hiện có thành một không gian văn hóa nghệ thuật cũng là giải pháp. Ý tưởng để có những sản phẩm du lịch hấp dẫn rất nhiều, nhưng điều lo lắng là các sản phẩm hoạt động “chưa tới”, chất lượng không đảm bảo, đây là căn bệnh “trầm kha” của Huế lâu nay. Xây dựng đã khó, duy trì và mở rộng quy mô là càng khó hơn.

Chẳng hạn như làm mới của di tích, Đại Nội mở cửa vào ban đêm được đánh giá là sản phẩm hấp dẫn, các DN tin tưởng khách sẽ đến Huế nhiều hơn. Nhưng đã qua hai năm triển khai, phải nhìn nhận, sự hấp dẫn chưa cao. Riêng trong năm 2018, sự thành công của chương trình “Văn hiến Kinh kỳ” tại Festival Huế 2018 càng khiến chương trình được kỳ vọng hơn cho Đại Nội về đêm. Nhưng sự đồng bộ dịch vụ tại Đại Nội còn yếu, nhân lực không đủ sức để duy trì hoạt động.

Tổng cục Du lịch góp ý, nếu xây dựng mới, Huế cần tập trung sản phẩm Bạch Mã, biển ở Lăng Cô, hình thành sản phẩm vui chơi giải trí. Huế cũng cần kết hợp du lịch văn hóa với du lịch biển, xem đây là trụ cột sản phẩm của du lịch…

Tại hội nghị phát triển du lịch Huế 2018 (tháng 4/2018), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, Huế cần có quy hoạch sản phẩm du lịch, xác định sản phẩm nào là sản phẩm chiến lược. Định vị những sản phẩm du lịch dài hạn để tập trung đầu tư thích đáng; trong đó, du lịch văn hóa là cốt lõi, nền tảng của Huế và cả nước.

Bài, ảnh: Đức Quang