Phê phán những kẻ còn non nớt, học hành chưa đến nơi, đến chốn, tài đức cũng xoàng nhưng lại học đòi phách lối, hung hăng đấu đá tranh giành quyền lợi địa vị trong xã hội, nhân dân ta nói: “Tay ấy ngựa non háu đá”.

Ảnh: Internet

Khen ngợi người sống trung thực khí khái, dám phê phán đấu tranh, chống lại những sai trái, tiêu cực xã hội mà không sợ mang vạ vào thân, có câu: “Ông ấy thẳng như ruột ngựa”. Phản ánh cuộc sống ngắn ngủi, phù du của con người trên cõi đời vô thường này, người ta nói: “Đời người hư huyển như bóng câu qua cửa sổ(*). Sống đời đói nghèo, lầm than nô lệ, không có tự do, hạnh phúc, thì xem “kiếp ngựa trâu”.

Và nhiều thành ngữ, tục ngữ quen thuộc khác như: chạy nhanh như ngựa; voi dày ngựa xéo; xe ngựa lao xao giữa cõi trần; lên xe xuống ngựa; thành ngữ “da ngựa bọc thây” cũng được nhắc đến nhiều trong sử và trong khẩu ngữ đời thường. Theo sách “Hậu Hán thư”, Mã Viện đã trả lời Hán Quan Vũ: “Đại trượng phu nên chết nơi biên giới, chốn chiến trường, lấy da ngựa bọc thây mà chôn, chớ sao lại nằm ở trên giường trong tay bọn trẻ con đàn bà mà được ư?”. “Da ngựa bọc thây” nhằm ý nói về chí làm trai của bậc nam nhi. Trong “Hịch tướng sĩ” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và trong “Chinh phụ ngâm” của Đoàn Thị Điểm đã nhắc đến thành ngữ này với hình ảnh rất đẹp: “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa/ Gieo Thái Sơn, nhẹ tựa hồng mao”.

Để bênh vực những người tài hoa, trí tuệ giỏi giang hay bướng bỉnh, ngất ngưỡng, chơi ngông, người ta nói: “Ngựa hay lắm tật”. Khuyên người đời trong cuộc sống không nên vội vàng hấp tấp để hỏng việc (vì “dục tốc bất đạt”) dân gian có câu: “Ngựa le te cũng đến bến giang (sông)/ Voi đủng đỉnh cũng sang sông qua đò”. Thật vậy, ở đời việc gì rồi đâu cũng vào đó cả. Cứ bình tĩnh chuẩn bị thật kỹ hành trang trước lúc lên đường. “Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá, mà quàng phải dây” là một triết lý sống khôn ngoan ở đời.

Nói về những người thành thạo trong công việc, am tường kinh nghiệm sống có câu: “Ngựa quen đường cũ”. Xuất phát từ điển tích “Lão mã thức đồ” (ngựa già thuộc lối, thông ngõ tỏ đường) của Trung Quốc. Nghĩa bóng của thành ngữ này để ví những người có kinh nghiệm dày dặn, từng trải việc đời. Gặp bất cứ hoàn cảnh khó khăn phức tạp nào cũng tìm ra được phương pháp để xử lý tốt các tình huống, giải quyết êm đẹp được mọi vấn đề. Song cũng có cách giải thích khác để phê phán những kẻ ngoan cố, chứng nào tật nấy, không chịu phục thiện khắc phục sai lầm, sửa chữa khuyết điểm. Đồng nghĩa với các thành ngữ: “Chó đen giữ mực”, “Hổ chết chẳng hết vằn”…

Nhằm nhắc nhở con người ở đời việc gì cũng có giới hạn của nó, nên tùy việc mà làm, tùy sức mà gánh vác, không nên ôm đồm, tham lam. Chẳng hạn như nhiệm vụ lớn nhưng tài đức vừa phải thì không nên kiêm nhiệm nhiều, cũng có câu: “Ngựa nào gác được hai yên”. (Yên: mảnh da uốn cong, đặt nó lên lưng ngựa, làm chỗ ngồi cho người cỡi ngựa). Để cảnh báo trước những người đang phiêu lưu mạo hiểm, chơi trò nguy hiểm có thành ngữ: “Đừng mó dái ngựa”. Vì bản tính của ngựa là hay đá lui và đá sang một bên bằng chân sau rất mạnh. Vì thế “mó dái ngựa” rất nguy hiểm đến tính mạng.

Năm Ngọ mà nói chuyện “Ngựa trong tâm thức con Người” thể hiện qua lời ăn tiếng nói thì nhiều vô số kể. Vì không riêng gì kho tàng thành ngữ, tục ngữ Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới, ngựa vẫn là hình ảnh ẩn dụ rất độc đáo trong suy nghĩ của các dân tộc. Người viết xin tạm dừng ở đây, chỉ mong trong năm Giáp Ngọ này, mỗi người trong chúng ta làm việc gì cũng phải kiên trì, bền bỉ, làm đến nơi đến chốn vì: “Trường đồ tri mã lực, sự cữu thức nhân tâm” (Trung Quốc) mà người Việt mình thường nói: “Đường dài mới hay sức ngựa, sống lâu mới hiểu hết được lòng người”. Người Mông Cổ cũng nói: “Biết ngựa khi chạy, hiểu người trong gian nan”. Và trong cuộc sống phải kiên định lập trường, quan điểm, dũng khí của mình: “Ngựa hay không thay dáng chạy, người tốt không đổi thay lời”. Và cũng đừng bao giờ kiêu căng tự mãn vì: “Ngựa bốn vó cũng vấp ngã như thường”.

Cuối cùng là phải sống với nhau trong tình nghĩa thủy chung, luôn luôn lấy tín nghĩa làm trọng, đừng như: “Ngựa hươu thay đổi như chơi - Giấu gươm đầu lưỡi thọc dùi trong tay” (Cao Bá Quát). Phải luôn luôn đoàn kết gắn bó keo sơn trong mỗi bước đi lên như: “Ngựa chạy có bầy - Chim bay có bạn”; với nghĩa tình sâu nặng: “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Và ngày mai bao giờ cũng bắt đầu từ ngày hôm nay, vì thế: “Hãy chăm sóc tốt ngựa con. Nó sẽ trở thành tuấn mã đẹp”(Ấn Độ).

Huế, đầu Xuân Giáp Ngọ

  

  (*) Ý tưởng này xuất phát từ câu nói của Trang Tử: “Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược bạch câu chi quá khích, hốt nhiên nhi dĩ” (nghĩa là: “Người ta sống trong khoảng trời đất, cũng giống như bóng ngựa trắng lướt qua khe cửa, trong chốc lát mà thôi”). Bóng ngựa hay bóng câu (bạch câu có nghĩa là con ngựa non sắc trắng) lướt qua khe cửa là nhằm để chỉ sự trôi nhanh của thời gian. Sách “Hán Thư” cũng chú thích rằng Bạch câu là con ngựa non, dùng để ví với sự lướt nhanh của bóng mặt trời, bóng nắng của thời gian.

Xuân Tùng