Biển Thừa Thiên Huế sạch, đẹp là lợi thế để kêu gọi đầu tư. Ảnh: Hoàng Hải
Đà Nẵng có “con đường tỷ đô”, cụm Lập An - Lăng Cô - Chân Mây theo tôi nghĩ tiềm năng không hề thua kém. Mà Huế không chỉ có vậy...
e đổ đèo Hải Vân về Huế, gần đến chân đèo thì bị ngăn đường do đơn vị thực hiện lao dầm cho cây cầu dẫn vào hầm Hải Vân 2 đang được xây dựng. Thời gian chờ đợi khá lâu nên du khách trên các chuyến xe đều nhảy xuống để vừa thư giãn vừa ngắm cảnh. Nói du khách là bởi đa phần bây giờ chọn lối đường đèo để đi đều là xe chở khách du lịch, để khách vừa được trải nghiệm "con đường trong mây" của cung đèo được xếp vào hạng ngoạn mục nhất thế giới, vừa được thăm di tích Hải Vân Quan mà cách đây hơn 500 năm đã nổi tiếng là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan".
Bãi biển Lăng Cô, nhìn từ lưng đèo Hải Vân. Ảnh: Diên Thống
ừ lưng chừng Hải Vân nhìn về Lăng Cô, bãi biển đẹp đến nao lòng. Đến nỗi, không một du khách nào đủ can đảm bỏ qua việc ghi lại cho mình một vài bức ảnh lưu niệm. Không hề ngoa ngôn, bởi đâu chỉ có "người trần mắt thịt", mà cách đây gần chục năm, cùng với Nha Trang và Hạ Long, Lăng Cô đã lọt vào mắt xanh của Worldbays (Club of the Most Beautiful Bays of the World - Câu lạc bộ các vịnh biển đẹp nhất thế giới), được tổ chức này bình chọn là một trong 30 vịnh biển đẹp nhất thế giới. Mà cũng không chỉ sau này, từ rất lâu rồi Lăng Cô đã chiếm trọn con tim của bất kể ai nếu lạc chân bước đến, kể cả vua chúa. Hơn trăm năm trước, chỉ ít tháng sau khi lên ngôi, Khải Định- vị hoàng đế thứ 12 của vương triều Nguyễn khi đến đây từng ngây ngất trước vẻ đẹp của Lăng Cô, khi trở về đã truyền cho lập Hành cung Tịnh Viêm tại đây, bia đá lưu dấu còn đến bây giờ.
Một góc Lăng Cô. Ảnh: Diên Thống
ăng Cô đẹp, nổi tiếng thế nhưng tiếc là cho đến bây giờ vẫn đang còn yên ắng quá. Hè vừa rồi, tôi có mấy người quen tìm về Lăng Cô nghỉ dưỡng. Tối lang thang đi thăm thị trấn, không biết nói gì ngoài mỗi chữ buồn! Cảnh quan thì ngoài tuyệt phẩm sẵn bày do thiên nhiên ban tặng, suốt dọc tuyến Quốc lộ 1A mà bãi biển Lăng Cô dọc theo, hầu như chưa có dấu ấn gì đáng kể để có thể hút được ánh nhìn của du khách. Hiện trạng đó khác xa với Nha Trang-Khánh Hòa, với Phan Thiết- Bình Thuận, với Cửa Đại- Hội An .... Trước khi dừng chân trên đèo Hải Vân chỉ 1 ngày, chúng tôi có hành trình đi qua tuyến đường Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp - Trường Sa nối thành phố Đà Nẵng với phố cổ Hội An và có một đêm trải nghiệm tại một resort trên tuyến đường này. Cách đây chừng hơn hai thập kỷ, khu vực này là vùng ven, "đèo heo gió hút", thưa thớt dân cư, vậy mà giờ đây, với những cây cầu vượt sông Hàn, với tuyến đường được đầu tư có Ngũ Hành Sơn nổi tiếng ở trung lộ và Hội An phố cổ được công nhận Di sản thế giới, cả một dải đất ven biển này của Đà Nẵng trở nên sôi động với các khu khách sạn, biệt thự, resort nghỉ dưỡng cao cấp đạt chuẩn 4-5 sao: Vinpearl Đà Nẵng Resort và Villas; Hyatt Regency; Furama; Olalani; Crowne; khu du lịch quốc tế Silver shores Hoàng Đạt (Mỹ); hay Premier Village Đà Nẵng Resort... Sở du lịch Đà Nẵng tính toán, tập hợp các khu khách sạn, biệt thự, resort nghỉ dưỡng cao cấp nói trên đã mang lại nguồn doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho ngành du lịch thành phố. Tuyến đường Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa được mệnh danh là "con đường 5 sao", "con đường tỷ đô" quả không ngoa.
Trở lại với Lăng Cô của Huế, những thông tin có được cho thấy bãi biển xinh như mộng này được phát hiện từ rất sớm, lại nằm ngay trên đường thiên lý bắc nam, trước mặt là biển, sau lưng là đầm Lập An, lại dựa vào dãy Bạch Mã hùng vĩ với khu nghỉ dưỡng trên cao nổi tiếng mệnh danh là "Đà Lạt của miền Trung", công bằng ra, Lăng Cô phải "cất cánh" trước mới đúng. Vậy nhưng hiện trạng thì ai cũng có thể thấy.
Thị trấn Lăng Cô lẽ ra không "đơn giản" thế này. Ảnh: Diên Thống
ầu năm 2018 này, trả lời báo chí, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Phan Thiên Định cho hay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị ông sẽ phối hợp rà soát các dự án để có giải pháp hợp lý, tiến đến chấm dứt tình trạng chây ì, "xí phần" rất đáng phàn nàn này. Thực tế thì từ đó đến nay, trong số 13 dự án bị thu hồi giấy phép trên địa bàn tỉnh, KKT Chân Mây-Lăng Cô có 2 dự án thuộc lĩnh vực du lịch bị thu hồi (Khu nghỉ dưỡng ven biển Lăng Cô của Công ty TNHH Pegasus Fund 2 – Việt Nam, vốn đăng ký 78 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp ven đầm Lập An – Lăng Cô của Công ty cổ phần Đầu tư, Xây dựng và Du lịch CIT, vốn đăng ký 192 tỷ đồng). Theo tiết lộ của ông Định, có thể tới đây dự án của doanh nghiệp P., một dự án thuộc hàng "hoành tráng" nếu không chuyển động cũng sẽ cùng "số phận". Kêu gọi đầu tư không dễ, nhưng loại trừ những nhà đầu tư không thật lòng thật bụng cũng là điều cần quyết liệt. Nếu không thì không những không phát triển mà lại còn kìm hãm tăng trưởng. Tài nguyên luôn luôn là hữu hạn, còn nhà đầu tư thì... nhiều hạng. Đã qua rồi thời kêu gọi tràn lan mà phải bắt đầu có sự chọn lựa. Đó là xu thế chung của đất nước, Thừa Thiên Huế cũng vậy, Lăng Cô lại càng phải vậy.
Nhiều dự án du lịch ở Lăng Cô có tiến độ rất... ì ạch. Ảnh: Diên Thống
Đà Nẵng có "con đường tỷ đô", cụm giao thông Lập An - Lăng Cô - Chân Mây theo tôi nghĩ tiềm năng không hề thua kém. Nhất là khi hầm Hải Vân đã thông, nay đang tiếp tục được mở thêm hầm số 2, khoảng cách giữa Hội An-Đà Nẵng-Huế đã rút ngắn rất đáng kể; khi Hải Vân Quan đã được công nhận di tích, chưa khai thác nhưng du khách đã đổ về nườm nượp mỗi ngày; khi cảng hàng không quốc tế Phú Bài đã có quyết định tiếp tục được nâng cấp mở rộng... Ví dụ không ở đâu xa, ngay tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô này, nơi tít tắp tận thôn Cù Dù, khu nghỉ dưỡng phức hợp Laguna của tập đoàn Banyan Tree (Singapore) chỉ sau 5 năm chính thức đi vào hoạt động đã khẳng định đẳng cấp quốc tế của thương hiệu và vừa được Chính phủ đồng ý cho tăng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD. Ngược lên phía bắc một quãng nữa, cũng trên địa bàn huyện Phú Lộc, khu du lịch 5 sao Vedana Lagoon Resort & Spa dưới chân đèo Mũi Né mới được đầu tư từ 2009, nay đã được nhiều du khách biết tiếng và đánh giá là "xứng tiền nhất Huế". Huống hồ, nơi đẹp và thuận lợi như bãi Lăng Cô, như đầm Lập An. "Dọn dẹp" ngon lành, trải thảm mời gọi và giao cho nhà đầu tư có tiềm lực, làm ăn thực lòng, thắng là cái chắc!
Biển Hàm Rồng (Vinh Hiền) đẹp & bình yên vẫn đang chờ "khai phá". Dọc bờ biển TTH, những bãi biển đẹp như thế này không thiếu. Ảnh: Diên Thống
à nói về du lịch biển, không chỉ mỗi Lăng Cô- Chân Mây. Hơn 120km bờ biển của Thừa Thiên Huế từ bắc vào nam còn có thể kể Phong Hải, Quảng Công, Hải Dương, Thuận An, Phú Thuận, Phú Diên, Vinh Thanh, Hàm Rồng - Vinh Hiền, Lộc Bình... đều là những bãi biển đầy tiềm năng, đầy mời gọi. Đôi lúc ngồi... mơ, có kinh phí đầu tư một con đường ven biển thật ngon, rồi thêm vài tuyến đường xương cá nối lên với Quốc lộ 1A kéo biển về gần hơn với đô thị, thế nào mà chẳng sôi động. Viết đến đây, chợt nhớ lần vào chơi Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) cách đây chưa lâu, anh Hiền, một người Huế, Tổng Biên tập Báo BRVT đã trò chuyện với chúng tôi một cách thoải mái, chân tình như người nhà: "Tao sống ở đây đã mấy chục năm, thấy du lịch BRVT có gì đâu ngoài biển. Vậy mà thiên hạ cứ ào ào đổ về, thu từ du lịch tới 7.000 tỷ mỗi năm. Huế mình biển đẹp hơn đây nhiều chứ, lại có di sản, có đủ thứ, nhưng cứ nghèo. Bực!". Bảy ngàn tỷ? Tôi giật mình, nghĩa là bằng số thu ngân sách của cả tỉnh. Không có điều kiện để "thẩm tra", cũng có thể anh nói trong lúc cao hứng, nhưng cứ nhìn nhà hàng Gành Hàu, nhiều lần vào đây và lần nào cũng vậy, cái nhà hàng ven biển và... dài đến 1 cây số này bao giờ cũng kín khách. Chừng 5-7 giờ chiều mà đến, không đặt chỗ trước là cầm chắc bị từ chối, cũng đủ biết sức nóng của du lịch nơi thành phố biển phương nam này.
Nội dung: Diên Thống
Thiết kế: Minh Quân