Lá bắc cây bướm bạc Phi |
Không ai phủ nhận cái đẹp của hoa, nhưng cũng chẳng ai phủ nhận hoa nở rồi phải tàn và cho dù một loài hoa có khả năng phơi sắc bền bỉ đến mấy thì rồi cũng phải nhạt phai, nhường chỗ cho sắc màu của lá trường tồn qua năm tháng. Lá là bộ phận cơ hữu của cây, cho dù ở một loài cây rụng lá theo mùa thì thời gian tồn tại với đời vẫn dài gấp bội những chiếc hoa mỏng manh trên cùng cây mang nó. Biết bao loài, trong quá trình hình thành, sinh trưởng, phát triển có lá thay sắc đổi màu theo thời gian, theo thời tiết, tạo ra những sắc màu bắt mắt tô điểm cho không gian, sinh cảnh làm chạnh lòng người. Những cây phong ở các nước ôn đới; những cây thích ở vùng núi cao có tiểu khí hậu á nhiệt đới rồi đến những cây lộc vừng, lôi khoai, chò đen, kiền, sau sau, trâm... ở vùng núi thấp của nước ta có lá non trổ màu sặc sỡ khiến cho bất kỳ ai đã một lần chiêm ngưỡng thì khó quên đi được. Thời gian gần đây, các nhà kinh doanh cây cảnh đã nhập về loài cây hồng lộc với lá lộc khoe sắc đỏ thắm đã được các công ty cây xanh sử dụng để tôn tạo vườn hoa, công viên, dải phân cách khá đẹp. Ngoài ra, nhiều loài cây có hoa nhỏ, nhạt sắc, vô hương đã thích nghi theo hướng thụ phấn nhờ côn trùng bằng những lá bắc (lá hoa) trổ màu sặc sỡ tạo nên vũ khí lợi hại hấp dẫn ong bướm.
Ngọc nữ
Với những cây tiểu cảnh, bonsai, sắc màu lá là một trong những tiêu chí được nghệ nhân quan tâm, được người chơi mến mộ. Lắm trường hợp lá bắc trổ màu sặc sỡ khiến cho bao người cứ tưởng đó là hoa. Đó là hoa giấy (Bougainvillea spectabilis Will.); hoa trạng nguyên (Poinsettia pulcherrima (Will.), các loài hoa bướm bạc (Mussaenda frondosa L.), bướm bạc Phi (Mussaenda philippica A.C. Rich.), bướm hồng (Mussaenda erythrophylla Schum. et Thonn.), ngọc nữ (Clerodendron thomsonae Balf.), v.v.
Sắc màu của lá tía tô đỏ cảnh |
Ngoài ra, biết bao loài cây có lá dinh dưỡng trổ màu quanh năm, rất thích hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới của nước ta, cũng đã được bao người ưa chuộng, được sử dụng phổ biến từ Bắc chí Nam làm cây tiểu cảnh bồn hoa, chậu cảnh, chẳng hạn như huyết dụ - Cordyline terminalis (L.) Kunth., tai tượng trổ - Acalypha wilkesiana Muell., tía tô cảnh – Coleus blumei Benth. var. brilliancy Hort., môn đốm – Calabium bicolor (Ait.) Vent., thài lài tía – Tradescantia zebrina Bossc., cô-tòng – Codiaeum variegatum (L.) BL. v.v. Đặc biệt từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành thị, từ miền duyên hải lên đến vùng núi, cao nguyên... đâu đâu cũng hiện hữu cây cô-tòng dưới nhiều loại hình cây cảnh khác nhau: trồng chậu, trồng đất theo cụm, theo hàng để trang trí sân vườn, công viên; thậm chí có nơi còn làm hàng rào cho vườn nhà. Đây là một nguồn gen phong phú cho người chơi cây cảnh chọn lựa. Không những thế, màu sắc lá còn thay đổi tùy dạng cây, thậm chí thay đổi theo nền đất, theo cường độ chiếu sáng... và chính đặc điểm này là yếu tố được người chơi chú ý, gây trồng và phát triển.
Trong hàng loạt loài cây có lá khoe sắc vừa được nêu trên đây, ngoài những loài khoe sắc lá quanh năm, một số loài thường trổ màu đa sắc, sặc sỡ đúng vào dịp xuân về. Ngày xuân, những loài cây có lá trổ màu đa sắc vừa nêu là nguồn vật liệu giúp các gia đình Việt chọn thiết kế trưng bày để góp phần với bao sắc hoa truyền thống làm cho cảnh quan sân vườn, tiền sảnh tươi thắm hơn, đa dạng hơn. Và hơn thế nữa, khi những bông hoa sặc sỡ rũ cánh ra đi sau những ngày Tết của dân tộc, màu lá của nhiều loài vẫn tiếp tục khoe sắc vấn vương người, mọi nhà làm cho không khí Tết cứ phảng phất mãi đó đây.