Câu lạc bộ (CLB) Hà Nội vô địch và năm nay lại một lần nữa được xem là năm rực rỡ của bầu Hiển với bóng đá. Cùng với chức vô địch của CLB Hà Nội, lứa trẻ do ông đào tạo là nòng cốt giúp U23 Việt Nam và Olympic Việt Nam thăng hoa ở châu lục. Chưa kể, các đội ít nhiều có dính tới bầu Hiển như SHB Đà Nẵng, Sài Gòn, Quảng Nam cũng đã an toàn trụ hạng. Tên thật là Đỗ Quang Hiển, bầu Hiển được xem là biểu tượng cho sự gắn kết giữa bóng đá với doanh nghiệp. Trong 10 mùa giải gần nhất, có tới 7 lần chiếc cúp V.League thuộc về các đội bóng có liên quan tới ông bầu này.

Bầu Hiển được cầu thủ CLB Hà Nội tung hô. Ảnh: Internet

Không phải bầu Hiển mà chính bầu Đức (Đoàn Nguyên Đức) và bầu Thắng (Võ Quốc Thắng) mới là hai doanh nhân đầu tiên đầu tư vào bóng đá và họ có sự khởi đầu thành công, đặc biệt là ông chủ của CLB Hoàng Anh Gia Lai. Bầu Đức tiếp quản đội bóng Gia Lai - Kon Tum vào năm 2001 và đổi tên thành CLB Hoàng Anh Gia Lai. Ngay trong năm 2002, ông ký hợp đồng bom tấn với danh thủ Thái Lan Kiatisuk. Cho đến nay, đây vẫn được xem là bản hợp đồng thành công nhất của bóng đá Việt. Bầu Đức còn quyết tâm làm bóng đá bài bản. Đó là việc Hoàng Anh Gia Lai ký thỏa thuận với “pháo thủ” thành London Arsenal vào năm 2007 để mở học viện bóng đá HAGL -  Arsenal JMG. “Lò ấp” này chính là nơi đã giới thiệu những gương mặt trẻ tài năng của bóng đá Việt Nam như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… và hiện nay nền bóng đá nước nhà đang hưởng lợi.

Lịch sử bóng đá Việt thời hội nhập và phát triển ghi nhận có tới 8 ông bầu nổi tiếng chịu chơi. Ngoài 3 cái tên vừa nêu còn có bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên), ông chủ của Hà Nội ACB, đội bóng tiên phong đưa một cá nhân đẳng cấp thế giới là huấn luyện viên Detari (Hungary) về với “ao làng” V.Legaue. Cái tên bầu Trường (Hoàng Mạnh Trường) gắn liền với V. Ninh Bình. Bầu Thọ (Nguyễn Vĩnh Thọ) là ông chủ của Navibank Sài Gòn. Còn cặp bài trùng bầu Thụy (Nguyễn Đức Thụy) và bầu Thủy (Nguyễn Xuân Thủy) dù chỉ xuất hiện chớp nhoáng ở V. League nhưng lại được biết đến là những tay chơi bóng đá dị biệt khi có lúc họ sử dụng đến 3 đội bóng, gồm Sài Gòn Xuân Thành, GMIC Quảng Nam và Xuân Thành Hà Tĩnh (hạng Nhì).

Dù thành công hay thất bại, mấy ông bầu trên đều có tình yêu bóng đá thật lòng. Là những doanh doanh nhân giàu có, họ dám mạnh tay chi cho những hợp đồng “bom tấn”, dám hy sinh lợi ích trước mắt để đầu tư cho tương lai CLB của mình nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Không có họ, nhiều địa phương sẽ không có bóng đá chuyên nghiệp. Bóng đá Thừa Thiên Huế là một ví dụ, trong rất nhiều thời điểm, có lực lượng thừa sức để chơi V. League, thế nhưng đến giờ vẫn đang là kẻ ngoài cuộc do thiếu tiền. Có người luyến tiếc khi bảo, cùng với Đà Nẵng, đáng ra đã có cuộc “hôn phối” giữa bóng đá Huế với bầu Hiển (!).

Trở lại với bầu Hiển, ngay sau khi Hà Nội đăng quang vẫn bị dị nghị quanh chuyện một ông bầu chi phối nhiều đội và chi phối các chức vô địch. Ông Hiển đã lên tiếng khẳng định chỉ là ông chủ của CLB Hà Nội. Thế nhưng, không nghi sao được khi SHB Đà Nẵng vô địch thì ông bầu này được tung hô, rồi Hà Nội vô địch cũng ông bầu này là nhân vật chính. Tương tự, Quảng Nam vô địch thì người hùng cũng là ông bầu có nhiều dự án lớn ở Quảng Nam. Rõ ràng, bầu Hiển và các ông bầu khác không thể không tính toán khi bỏ tiền tỷ để chơi bóng đá. Còn nhiều chuyện đáng bàn, song điều ai cũng rõ rằng, trong hoàn cảnh hiện tại chính nhờ có túi tiền của những ông bầu này mà V. League mới có đủ con số 14 đội bóng để hàng năm “sang xuân là mở hội”.

ĐAN DUY