Biến đổi khí hậu diễn ra ở khắp nơi, không phân biệt nước giàu hay nước nghèo. Tuy nhiên, một số khu vực trên thế giới sẽ phải chịu ảnh hưởng nhiều hơn các nơi khác, và Đông Nam Á đang nằm trong khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp với nhiều hậu quả khá nghiêm trọng.

Nông dân trồng lúa ở Myanmar - một trong những quốc gia tiêu thụ nhiều gạo nhất và có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nhiệt độ nóng lên toàn cầu. Ảnh: AFP/Thet AUNG

Biến đổi khí hậu đang làm tăng cường độ và tần suất các cơn bão, đồng thời đẩy nền nhiệt lên mức cao mới, điều này cho thấy vai trò ngày càng lớn của khí hậu trong khủng hoảng kinh tế, di cư hàng loạt, bất ổn chính trị và dân sự, phá vỡ hệ sinh thái, cũng như gây mất an ninh lương thực và nguồn nước.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ngày càng nhiều lý do – dù dễ nhận thấy hay không, khiến sự thay đổi về thời tiết của một quốc gia có thể tác động đến dân số địa phương và nền kinh tế rộng lớn.

Theo đó, nếu không được kiểm soát, biến đổi khí hậu có thể gây tổn thất hàng tỷ USD cho nền kinh tế thế giới, với nhiều ước tính ở mức 1%-2% GDP toàn cầu vào năm 2050. Đối với các nước Đông Nam Á, tác động dự kiến ​​tương đương với khoảng 3% GDP khu vực. Do đó, trừ khi các chiến lược giảm thiểu lượng phát thải và đầu tư vào các giải pháp chống biến đổi khi hậu được đưa ra, các chính phủ, các công ty và cộng đồng sẽ phải đổi mặt với các cú sốc dài hạn trong tương lai.

Tác động đến xuất khẩu

Dữ liệu của Maplecroft Verisk cho thấy, các nền kinh tế Đông Nam Á và châu Phi dự kiến sẽ gánh chịu tác động lớn nhất của sự gia tăng nhiệt độ trong 30 năm tới, và một trong những tác động đáng lo ngại nhất là sự suy giảm doanh thu xuất khẩu. Đến năm 2050, khu vực Đông Nam Á có thể giảm 16% công suất lao động do tỷ lệ sốc nhiệt gia tăng, và Singapore, Malaysia dự đoán sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo các chuyên gia, sốc nhiệt có thể làm giảm năng suất lao động khi gây mất nước và mệt mỏi, trong đó những người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, dầu khí và sản xuất là những người dễ bị ảnh hưởng nhất do đặc thù công việc.

Với giá trị xuất khẩu hiện tại, không xét đến khả năng tăng trưởng trong tương lai hoặc đa dạng hóa các ngành xuất khẩu thì năng suất lao động giảm trong thời gian tới có thể dẫn đến khoản tổn thất ước tính 78 tỷ USD mỗi năm trong doanh thu xuất khẩu của các nước Đông Nam Á, trong đó các ngành sản xuất tại Việt Nam và Thái Lan - các nước chủ yếu xuất khẩu máy móc và linh kiện điện tử, chiếm gần 1/3 con số đó.

Gánh nặng cho hệ thống điện

Nhiệt độ tăng cao có thể làm giảm đáng kể doanh thu xuất khẩu trong ASEAN, đồng thời cũng gây áp lực rất lớn đối với các nước vốn có nguồn cung điện yếu, khi các quốc gia trong khu vực đều sẽ sử dụng nhiều máy lạnh trong thời tiết nắng nóng gia tăng. Trong khi đó, việc lắp đặt hệ thống làm mát để giảm nhẹ các rủi ro sức khoẻ sẽ khá đắt đỏ. Các công ty sẽ cần phải tính đến không chỉ chi phí sản xuất để trả tiền cho việc làm mát mà còn thêm gánh nặng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng điện ở địa phương và làm tăng nguy cơ mất điện.

Giữa bối cảnh đô thị hóa lan rộng và kéo dài, việc sử dụng năng lượng để làm mát trên toàn cầu được dự đoán sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050. Đến thời điểm đó, sẽ có thêm 2,7 tỷ người sống ở các thành phố, gây căng thẳng hơn nữa cho cơ sở hạ tầng điện.

Theo Channel News Asia, cơ sở hạ tầng điện ở Đông Nam Á là một trong những khu vực yếu nhất trên toàn cầu. Trung bình, các nước trong khu vực mất 18% nguồn cung điện trong quá trình phân phối và truyền tải, và các doanh nghiệp bị mất điện trung bình 8 lần/tháng.

Với dự đoán ​​nhiệt độ sẽ tăng 1,5 độ C trên khắp Đông Nam Á vào năm 2050, ​​nhu cầu làm mát khi đó sẽ tăng 22% ở Malaysia, Indonesia và Thái Lan, tăng 20% ở Philippines và 17% ở Singapore. Do đó, nếu không nâng cấp cơ sở hạ tầng điện và nguồn tải bổ sung trên mạng khu vực, rất có thể việc mất điện sẽ xảy ra thường xuyên hơn.

Cần đầu tư lớn

Với tốc độ giảm lượng khí thải carbon trên toàn cầu khá chậm chạp như hiện nay, hành tinh này dự kiến sẽ tăng ít nhất 1 độ C vào giữa thế kỷ này; và nếu chúng ta không tích cực hành động để giảm lượng phát thải carbon một cách đáng kể và bền vững, thách thức này sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

Vì vậy, khi nhiệt độ tăng lên, các kỹ sư, chuyên gia y tế và các nhà kinh tế sẽ phải tiếp tục cuộc chiến khó khăn để phân tích những rủi ro liên quan và tìm ra giải pháp cho những ảnh hưởng tồi tệ nhất do sự gia tăng nhiệt độ.

Một số chính quyền và doanh nghiệp đã bắt đầu đầu tư vào các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, ví dụ như các bức tường cứng cáp và kè đá chiếm 70% bờ biển của Singapore. Tuy nhiên, Liên Hiệp quốc ước tính chi phí toàn bộ cho các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu trên toàn cầu có thể lên 500 tỷ USD/năm vào năm 2050. Nhưng trên thực tế, các ước tính gần đây cho thấy mức tài trợ hàng năm hiện tại chỉ có hơn 20 tỷ USD. Với các nước Đông Nam Á - những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất do biến đổi khí hậu, khoảng chênh ngân sách to lớn này có thể khiến cho bất kỳ quốc gia nào trong khu vực đều “mướt mồ hôi”.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp và lược dịch từ Channelnewsasia & NCCS)