Ảnh minh hoạ: Nguồn: devex.com
Mở đầu hội nghị, Chủ tịch Jim Yong Kim nói: "Các cuộc họp thường niên thường tập trung vào các vấn đề quan trọng mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt, đặc biệt là các vấn đề ngắn hạn như tác động của việc tăng lãi suất, giảm giá hàng hóa, hoặc thay đổi lợi suất trái phiếu là gì mà không quan tâm nhiều đến vấn đề dài hạn quan trọng như vấn đề biến đổi khí hậu và nguồn nhân lực-kiến thức, kỹ năng và sức khỏe mà mọi người cần có trong cuộc sống."
Trong bài phát biểu khai mạc, nhà lãnh đạo WB cảm ơn Chính phủ Indonesia đã nỗ lực hết sức tổ chức hội nghị này sau khi vừa trải qua thảm họa kép động đất và sóng thần, gây thiệt hại nặng nề về người và vật chất.
Chủ tịch WB cũng gửi lời chia buồn đến Chính phủ và người dân Indonesia sau những mất mát quá lớn này.
Chủ tịch WB đánh giá Indonesia đã đạt được tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và đang có những tiến bộ đáng kể trong xóa đói giảm nghèo.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Indonesia đã tăng từ 785 USD năm 2000 lên hơn 3.800 USD vào năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo ở quốc gia này đã giảm gần một nửa-từ 19,1% năm 2000 xuống còn 9,8% hiện nay. Đây là một tiến bộ đầy ấn tượng và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việc tổ chức Hội nghị IMF-WB, Indonesia lại một lần nữa chứng minh với toàn thế giới rằng về một đất nước mạnh mẽ, kiên cường và kiên định.
Hội nghị thường niên IMF-WB năm 2018 với sự tham dự của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương cùng giới chuyên gia và doanh nghiệp, đại diện các tổ chức xã hội dân sự và học giả của 189 quốc gia thành viên của IMF và WB. Đặc biệt tại hội nghị lần này có cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bên lề hội nghị theo sáng kiến của Indonesia. Tổng số đại biểu tham dự hội nghị của IMF và WB lần này lên tới 34.000 người.
Tại hội nghị, các chuyên gia kinh tế toàn cầu tập trung thảo luận về những rủi ro đối với nền kinh tế thế giới, trong đó chủ nghĩa bảo hộ là một trong những vấn đề được quan tâm nhất.
Cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một trong những chủ đề nóng được thảo luận tại hội nghị lần này.
Ngày 10/10, Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani Indrawati cho biết việc Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi một thỏa thuận tốt hơn cho các công ty và nông dân Mỹ đã mở màn cho việc thiết lập chủ nghĩa bảo hộ.
Bà khẳng định: "Khi tất cả các nền kinh tế bắt đầu thực hiện chủ nghĩa bảo hộ, kinh tế toàn cầu sẽ tồi tệ hơn do khối lượng thương mại bị giảm, tăng trưởng cũng sẽ giảm."
Trước đó, ngày 9/10, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2018-2019 xuống 3,7%, đồng thời nhấn mạnh rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc đang ảnh hưởng nhiều đến kinh tế thế giới, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, trước mắt sẽ ảnh hưởng nhiều đến thanh khoản và dòng vốn bị chảy ra ngoài.
Trong khi rất nhiều quốc gia đang phải đối mặt với những khó khăn do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc gây ra, việc hợp tác nhằm giảm thiểu những thiệt hại từ cuộc chiến này cũng rất khó khăn.
Bộ trưởng Sri Mulyani nói: "Thật khó để chỉ ra rằng các quốc gia có liên quan sẽ phối hợp hiệu quả hơn như thế nào trong tình hình hiện nay, nhất là khi mỗi quốc gia có những vấn đề nội tại khác nhau."
Các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Indonesia, đang phải hứng chịu hậu quả do Mỹ gia tăng lãi suất. Đồng nội tệ rupiah của nước này đang bị mất giá nhanh, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
Bộ trưởng Sri Mulyani dự kiến sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (Xti-vân Nu-chin) vào cuối tuần này hy vọng rằng Mỹ và Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ lắng nghe những lo ngại của các nước khác về tác động từ các chính sách của Mỹ đối với kinh tế thế giới.
Đề cập đến những tác động tiềm tàng đối với Indonesia do kinh tế Trung Quốc bị suy giảm, bà nói điều này sẽ phụ thuộc vào cách Trung Quốc thực hiện để ngăn chặn nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và liên tục của quốc gia này trong nhiều năm qua đã tạo ra một thị trường lớn cho việc xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên của Indonesia.
Việc nới lỏng thanh khoản của các ngân hàng ở Trung Quốc gần đây có thể tạo ra nhu cầu nhập khẩu nhiều hơn và đó cũng là cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu vào Trung Quốc, trong đó có Indonesia.
Tuy nhiên cũng có một nguy cơ khác đó là hàng hóa của Trung Quốc sẽ tràn sang các nước khác sau khi bị Mỹ áp đặt mức thuế mới.
Theo Vietnam+