Cát sỏi còn tạo sinh cảnh cho các loài thủy sinh. Vì thế, nếu khai thác bừa bãi, quá mức lượng cát trên sông dẫn đến sạt lở bờ, ảnh hưởng đời sống người dân và hệ sinh thái thủy sinh.

Tình trạng khai thác cát sỏi trái phép vẫn diễn ra trên sông Hương

Chỉ cần cát bị hút quá nhiều tại một vị trí, mực nước tại đó và thượng nguồn sẽ bị giảm. Độ dốc đáy sông và mặt nước tăng lên nên vận tốc dòng chảy cũng tăng theo, gây xói lở đáy và làm lộ ra các chỗ nông khác ở khu vực thượng nguồn. Việc khai thác cát, sỏi tại lòng sông gây mất ổn định các công trình trên bờ sông hoặc trên sông như cầu, cống.

Với mục đích khơi thông dòng chảy cho các sông, phục vụ nhu cầu xây dựng và giải quyết việc làm, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quy hoạch khai thác cát, sỏi trên địa bàn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Song song với thực hiện theo quy hoạch, UBND tỉnh đã tổ chức thí điểm triển khai mô hình giao cộng đồng tổ chức khai thác cát sỏi tại một số đoạn trên sông Bồ dưới sự quản lý của chính quyền địa phương.

Trong quá trình quản lý, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định, quy định, văn bản chỉ đạo và thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý vi phạm, nhằm chấn chỉnh và ngăn chặn tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên các sông, nhất là khu vực thuộc hệ thống sông Hương. Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác quản lý, trao đổi thông tin, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát sỏi giữa các lực lượng kiểm tra chuyên ngành trên địa bàn tỉnh cũng được ban hành. Trong đó quy định trách nhiệm cụ thể của các sở, ban, ngành và nhất là trách nhiệm của cấp chính quyền từ huyện, xã, thôn đến vai trò của cộng đồng dân cư trong việc phát giác, tố giác các trường hợp khai thác, tập kết cát sỏi trái phép trên địa bàn...

Tuy đã có nhiều nỗ lực, song do nhu cầu về vật liệu xây dựng cũng như nhu cầu sinh kế, việc làm của người dân trong nghề, nên hoạt động khai thác cát sỏi trái phép vẫn lén lút xảy ra. Thậm chí kể cả những doanh nghiệp được cấp phép thăm dò, khai thác vẫn cố tình "rút ruột" lòng sông một cách quá mức, khiến người dân trong vùng bức xúc, lo lắng trước nạn sạt lở bờ sông, xâm thực vào diện tích đất ở, đất sản xuất.

Nói cho cùng, nguyên nhân vẫn do "có cầu ắt có cung". Một khi cát sỏi vẫn là nguồn nguyên liệu "độc quyền" để phục vụ xây dựng thì việc rút ruột các lòng sông sẽ còn tái diễn.

Vì mục tiêu bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Thực hiện chỉ thị này, những năm qua, một số bộ ngành đã có văn bản yêu cầu các công trình sử dụng ngân sách Nhà nước phải sử dụng vật liệu gạch không nung để xây dựng. Không chỉ thay thế đối với vật liệu xây dựng từ gạch, ngay cả vật liệu mới thay thế cát sỏi lòng sông đã được các nhà khoa học, nhà quản lý đề xuất áp dụng. Đơn cử như các công trình nghiên cứu về vật liệu mới thay thế cát sỏi tự nhiên bằng cát nghiền, tro xỉ thải... Thực tế, ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc, từ nhiều năm nay, người dân đã sử dụng cát nghiền mịn, trộn với tro xỉ thải từ than đá để xây dựng nhà cửa chứ không sử dụng cát sỏi như ở vùng đồng bằng, nhưng công trình xây dựng vẫn đảm bảo chất lượng, kiên cố.

Để tạo nền tảng, dần chuyển đổi nhận thức trong cộng đồng sử dụng phổ biến, những công trình dân sinh, công cộng sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cũng cần tiên phong ứng dụng các loại vật liệu mới trong xây dựng, kèm theo công bố những tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên