Đại học Stanford ở California, Mỹ. Ảnh: Reuters

Đóng góp vào vị trí số 1 của Đại học Stanford là các bằng sáng chế và nghiên cứu vững chắc của ngôi trường này, thường được các học giả trên khắp thế giới trích dẫn. Điểm nổi bật trong các nghiên cứu gần đây của Stanford bao gồm một số phát triển trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), bao gồm thế hệ kế tiếp của các hệ thống camera giúp hướng dẫn xe tự lái và những mô phỏng có thể dự đoán tương tác thuốc, trước khi các loại dược phẩm mới được thử nghiệm trên con người.

Trong khi chỉ có số lượng nhỏ các trường ở Anh và châu Á tăng hạng, các trường đại học Mỹ tiếp tục thống trị vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng. Cụ thể, Viện Công nghệ Massachusetts đứng thứ 2, Đại học Harvard đứng thứ 3, Đại học Pennsylvania đứng thứ 4, và Đại học Washington tăng 2 bậc để lọt vào top 5.

Xu hướng địa chính trị cũng là một yếu tố trong bảng xếp hạng năm nay. Tại châu Âu, sự không chắc chắn về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) có thể đang đẩy các nghiên cứu ra khỏi quốc gia này.

Ở châu Á, các trường đại học ở Trung Quốc đang gia tăng sự hiện diện trong số 100 trường đại học hàng đầu, nhờ sự thúc đẩy của Chính phủ trong đổi mới.

Nhìn chung, Mỹ thống trị danh sách với 46 trường đại học nằm trong top 100; Đức và Nhật Bản là những quốc gia cao thứ 2, với 9 trường đại học của mỗi quốc gia. Hàn Quốc có 8 trường đại học trong danh sách; Trung Quốc, Pháp và Anh đều có 5 trường của mỗi quốc gia; Thụy Sĩ có 3 trường; Bỉ, Canada, Israel và Hà Lan có 2 trường, trong khi Đan Mạch và Singapore đều có 1 trường.

Xét theo khu vực, Bắc Mỹ có 48 trường đại học trong top 100, châu Âu có 27 trường đại học, châu Á có 23 trường, và Trung Đông có 2 trường. Không có trường đại học nào trong top 100 ở châu Phi, Nam Mỹ, hay châu Đại Dương.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Reuters)