Nhân viên văn phòng ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP

Kế hoạch này nhằm mục đích lấp đầy tình trạng thiếu hụt lao động trong các lĩnh vực như nông nghiệp, điều dưỡng, xây dựng, khách sạn và đóng tàu.

Theo dự thảo luật, các công dân nước ngoài có kỹ năng trong những lĩnh vực được xác định là đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động sẽ được cấp thị thực cho phép họ làm việc đến 5 năm.

Lao động nước ngoài có trình độ cao hơn và có thể vượt qua kỳ thi tiếng Nhật cũng sẽ được phép đưa các thành viên gia đình đến Nhật Bản, và có thể trở thành thường trú nhân.

Trả lời phỏng vấn của các phóng viên ngày 12/10, Phát ngôn viên Chính phủ Nhật Bản, ông Yoshihide Suga cho hay, dự luật sẽ được đệ trình lên Quốc hội "vào thời điểm sớm nhất có thể”.

Chính phủ Nhật Bản không đặt ra mục tiêu cụ thể đối với lao động nước ngoài theo các đề xuất mới, mặc dù phương tiện truyền thông địa phương đã đưa con số này lên hơn 500.000 người đến năm 2025.

Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, đã có 1,28 triệu lao động nước ngoài tại Nhật Bản vào năm 2017, nhiều hơn gấp đôi so với một thập kỷ trước.

Tuy nhiên, hơn 450.000 người trong số đó là vợ chồng người nước ngoài của công dân Nhật Bản, người Hàn Quốc định cư lâu đời tại Nhật Bản, hoặc người nước ngoài gốc Nhật, chứ không phải là người lao động đến Nhật Bản để tìm việc làm.

Hơn 300.000 người là sinh viên, những người được phép làm việc bán thời gian trong quá trình học tập, nhưng dự kiến ​​sẽ trở về nhà sau đó.

Nhật Bản có ít hơn 240.000 công nhân lành nghề nước ngoài và chỉ hơn 250.000 thực tập sinh nước ngoài ở nước này vào cuối năm 2017, theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản.

Quốc gia này cũng có các thỏa thuận song phương để tiếp nhận số lượng hạn chế y tá và nhân viên chăm sóc từ các quốc gia khác của khu vực châu Á.

Thanh Ngân (Lược dịch từ AFP)