Số là, gia đình thông gia của bạn sống cùng xóm tôi bao năm qua. Vợ chồng họ đều có công việc đàng hoàng. 3 đứa con được nuôi ăn học tử tế. Đùng cái, khi tuổi vợ chồng đã xế chiều thì họ dẫn nhau ra tòa ly hôn. Vì lý do gì, chỉ những người trong cuộc mới hiểu được. Thôi thì vợ chồng hết tình cảm, không sống chung được nữa, ra tòa đường ai nấy đi, cũng là chuyện vẫn thường diễn ra trong cuộc sống. Con cái đã trưởng thành nên không cần “chia chác”, đi theo người mẹ. Người cha ly hôn một thời gian thì được mai mối, kết hôn với người phụ nữ khác, bắt đầu cuộc sống mới ở một tỉnh khác.

Dù ly hôn nhưng người chồng, người cha ấy vẫn sống sờ sờ, ấy vậy mà trên tấm thiệp cưới, vị trí tên cha mẹ cô dâu chỉ ghi tên người mẹ. Nghe đâu chính cô con gái không chịu để cha có mặt trong đám cưới, ngày trọng đại của đời mình. Có nghĩa, người cha đó đã bị đứa con ruột thịt của mình “khai tử”. Và tại hôn trường, trong hôn lễ, chú (tức chồng của dì ruột cô dâu) được “mời” đứng thế vào vị trí người cha.

Người cha hay tin con sắp thành hôn, trở vào Huế trước đám cưới 1 ngày. Gặp ai trong xóm ông cũng thẫn thờ bảo: “Đám cưới con gái tui, tui phải có mặt chứ”. Nhưng nếu “muối mặt” đến trong vai một vị khách không mời, có lẽ ông sẽ đau lòng không chịu nổi, nên chỉ thẫn thờ loanh quanh xóm vậy thôi.

Chợt nhớ một gia đình quen lâu năm. Người chồng vừa hay rượu chè say xỉn, không chăm sóc nổi vợ con một ngày, lại còn thường đánh chửi, rồi phụ bạc vợ con, theo người phụ nữ khác. Gần chục năm sau, người đàn ông tệ bạc ấy bệnh tật thân tàn ma dại, bị người phụ nữ kia ruồng bỏ. Dù cha bỏ rơi từ thơ bé, nhưng những đứa con lại xin mẹ cho phép đón cha trở về nhà để chăm sóc. Tôi đã từng thắc mắc, tình nghĩa gì đâu sao chị dễ dàng đồng ý. Người mẹ ấy nhẹ nhàng bảo, chị thường dạy con, cha là người sinh ra các con. Các con phải biết đạo lý làm con, bao dung dù cha có sai lầm gì, thậm chí có lúc đã làm điều không phải. Nay các con biết “thấm” đạo lý, biết bao dung tha thứ, chị rất mừng.

Vậy mà…

Vẫn biết là chuyện của thiên hạ, nhưng trong tiệc cưới hôm đó, cô dâu càng cười tươi bao nhiêu, lòng tôi trĩu nặng buồn. Nghĩ đến giờ này, cha của cô dâu với nỗi đau bị con “khai tử” trong ngày trọng đại, loanh quanh thất thần trong xóm cũ, buồn càng buồn hơn…

Duy Trí