Hôm rồi vào viện thăm mẹ cô bạn thân bị ốm, bắt gặp hình ảnh cô bé ngồi ôm tập vở vừa chăm ba vừa học. Cô bé ở Điền Môn cũng coi là đồng hương Phong Điền với tôi. Ba bị ung thư phải xạ trị, cô bé vừa tranh thủ vào chăm ba vừa ôn thi đại học. Người đàn ông với làn da đen “cháy”, gầy còm, trông có vẻ mệt mỏi, chốc chốc lại ngoái đầu dậy nhìn ra phía cô con gái nhỏ đang say sưa học bài, mỉm cười…

Bất chợt, tôi thấy nhớ!

Ngày tôi xa nhà lên Huế nhập học cũng là thời gian đầy khó khăn của gia đình khi ba tôi, trụ cột chính của gia đình nhiều lần nhập viện. Nhớ hôm ba lên bàn mổ, mọi người trong nhà tập trung đông lắm, nhưng ba nhất quyết không cho tôi lên viện.

Chị tôi kể, khi có lịch mổ, ba dặn cả nhà, không được cho con út lên viện. Ấy vậy, tôi trốn học lên thăm ba. Lúc đó, huyết áp ba tăng cao, bác sĩ phải cho về phòng điều trị huyết áp rồi lên lịch mổ mới. Đứng ngoài cánh cửa phòng bệnh, tôi nghe đủ tiếng “càm ràm” của ba với mạ: “Đã bảo đừng cho con lên, mà cho nó lên làm chi!”. Những lần mổ sau đó, tôi chỉ dám đứng đằng xa, nhìn các anh chị cùng bác sĩ đưa ba vào phòng mổ…

Ít lâu sau, ba đón nhận tin dữ, bị ung thư đại tràng. Khác với tất cả những người tôi thấy, ba vẫn cười rất tươi. Ba lên viện thường xuyên hơn, mỗi tháng 1 lần, mỗi đợt điều trị gần 10 ngày. Trong suốt 2 năm điều trị, tôi và ba luôn là bạn đồng hành. Có lần, ba bảo tôi lấy xe đạp chở sang thăm ông (em ruột của bà nội), rồi dẫn tôi đi 1 vòng chợ Đông Ba mua cho tôi đôi giày thể thao, áo sơ mi và một đồng hồ điện tử. Trên đường về, ba không quên đùa “tiền dành dụm cả đời của ba chỉ mua được cho cô út chừng đó thôi”.

Lần thứ 2 trong đời, tôi thấy mắt ba ươn ướt…

Khoảng thời gian ba nằm viện điều trị cũng là lúc tôi vừa học cao đẳng sư phạm vừa ôn thi lại đại học. Theo quy định của bệnh viện, trong thời gian hóa trị, người thân được yêu cầu ra ngoài không gian phòng bệnh. Lúc đó, tôi thường chui vào bên hông cánh cửa phòng để có thể vừa để ý chăm ba, vừa học bài. Vị bác sĩ điều trị cho ba mỗi lần thấy tôi ngồi lọt thỏm bên góc cửa lại gõ đầu “cố lên nhóc”, không quên cho tôi vài cái kẹo. Mỗi lần như thế, tôi lại thấy ba cười, đôi mắt long lanh đến lạ.

Rồi, tôi cũng đậu đại học. “Cố gắng học, vài bữa kiếm tiền nuôi ba nghe” là câu chúc mừng của ba khi tôi nhận thông tin trúng tuyển. Mạ tôi lúc đó nói “ba mi cười tủm tỉm cả ngày, gọi điện thoại báo khắp họ hàng luôn đó”! Sau 2 năm hóa trị, ba yếu dần đi. Tôi nhớ lúc hấp hối, ba vẫy tôi lại, nắm lấy tay tôi và vẫn với nụ cười như thế! Nụ cười đằm thắm đầy yêu thương.

Đến bây giờ và mãi mãi về sau tôi sẽ không bao giờ quên nụ cười ấy, nụ cười của người đàn ông vĩ đại nhất đời tôi, nụ cười đã theo tôi cùng năm tháng, giúp tôi bước qua những khó khăn tưởng chừng như gục gã để trưởng thành hơn từng ngày!

Hoàng Loan