Người dân đứng chờ một chiếc máy bay thả lương thực viện trợ của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) xuống gần thị trấn Katdalok, tiểu bang Jonglei, Nam Sudan. Ảnh: Reuters

Một báo cáo của tổ chức quốc tế ONE Campaign nhận định, tiến bộ trong việc cứu sống những trường hợp có nguy cơ tử vong và bệnh tật có thể ngăn ngừa kể từ năm 1990 có thể bị cản trở, trừ khi các Chính phủ tài trợ đưa ra những cam kết mới về đổi mới và hành động.

Tuy nhiên, tin tốt là thế giới biết những điều gì cần thực hiện để đạt được thành công, theo báo cáo được phát hành cùng lúc với một hội nghị về sức khỏe toàn cầu diễn ra ở thủ đô Berlin của Đức trong tuần này.

Báo cáo cho hay, hỗ trợ phát triển quốc tế về y tế tăng lên mức đỉnh 56 tỷ USD trong năm 2013, từ mức 20,4 tỷ USD vào năm 2000. Đến năm 2015, con số này giảm xuống còn 51,8 tỷ USD.

Trong vòng 5 năm từ năm 2010-2015, tỷ lệ tử vong khi sinh ở vùng cận Sahara châu Phi giảm 15%, tỷ lệ tử vong dưới 5 tuổi giảm gần 1/3, và các trường hợp tử vong liên quan đến AIDS giảm gần 40%.

Thế nhưng, báo cáo cho rằng, sự hỗ trợ của các nhà tài trợ đối với sức khỏe toàn cầu ở mức thấp và không có sự gia tăng kể từ năm 2014, mặc dù khoảng 7.000 người vẫn chết mỗi ngày do các căn bệnh có thể phòng ngừa như AIDS, bệnh lao hoặc sốt rét, hầu hết trong số đó là ở những quốc gia nghèo nhất tại khu vực châu Phi.

Báo cáo kêu gọi các nhà tài trợ, Chính phủ và các tổ chức từ thiện "huy động nhiều tiền hơn cho sức khỏe và mang lại nhiều sức khoẻ hơn cho tiền bạc", bởi các khoản đầu tư đó sẽ mang lại kết quả bằng cách thúc đẩy sản lượng và ổn định kinh tế của châu Phi.

Trong vòng chưa đầy 50 năm tới, sẽ có nhiều người trẻ ở châu Phi hơn tổng người trẻ của các quốc gia G20. "Đảm bảo rằng dân số này khỏe mạnh, có học thức và được trao quyền sẽ mang lại một cổ tức nhân khẩu học có thể thúc đẩy tương lai của một lục địa, và giúp châu Phi thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu."

Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters)