Tham quan, mua sắm tại hàng trưng bày của doanh nghiệp Kim Vui

Tem truy xuất nguồn gốc giúp người dùng sử dụng một ứng dụng, phần mềm truy xuất nguồn gốc quét mã vạch trên sản phẩm. Từ đó, người dùng kiểm tra được thông tin về sản phẩm mình, như: nguồn gốc, xuất xứ, thông tin bảo hành, hạn sử dụng... Trước mắt, Thừa Thiên Huế sẽ thí điểm thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc với 2 đặc sản là dầu tràm Kim Vui và mè xửng Thiên Hương.

Ý thức về chất lượng sản phẩm của mình, cách đây 10 năm, các sản phẩm của doanh nghiệp Kim Vui đã đăng ký mã số mã vạch, từng bước tạo niềm tin cho người tiêu dùng về nguồn gốc và giá cả của những sản phẩm mang nhãn hiệu Kim Vui. Ông Trần Văn Lực, chủ doanh nghiệp Công ty TNHH sản xuất Kim Vui, cho biết: Chúng tôi xem mã số mã vạch hay tem truy xuất nguồn gốc như là “giấy khai sinh” của sản phẩm. Một khi tiếp cận sản phẩm đã có đầy đủ thông tin trên giấy khai sinh ấy thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ tin tưởng hơn và sản phẩm ấy lưu thông trên thị trường cũng thông suốt hơn.

Với mã số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mọi băn khoăn về “hàng chính hãng” sẽ được giải quyết nhanh gọn chỉ bằng cách sử dụng điện thoại di động để quét mã và đọc thông tin. Việc áp hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm không chỉ giúp các doanh nghiệp xây dựng cơ sở dữ liệu sản phẩm, minh bạch thông tin với người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn giúp cho các ngành chức năng quản lý tốt hơn chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường. Đó cũng là cơ sở để giải quyết và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi cần thiết.

Tháng 6/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) ký kết chương trình hợp tác thúc đẩy, hỗ trợ xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, ứng dụng mã số mã vạch cho các sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh. Chương trình được thực hiện trong 3 năm (2018 - 2020), với việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc và ứng dụng mã số mã vạch vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Thừa Thiên Huế và đẩy mạnh thông tin, truyền thông về mã số mã vạch.

Là một trong những địa phương tiên phong, cuối tháng 9/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Ban hành Quy định Bộ tiêu chí lựa chọn sản phẩm chủ lực địa phương và khung giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Hồ Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, việc dán tem truy suất nguồn gốc sản phẩm là một phần trong nhóm nhiệm vụ nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm đặc sản của Thừa Thiên Huế. Sau khi tỉnh tổ chức hội nghị giới thiệu các nội dung về quản trị tài sản trí tuệ và ứng dụng dán tem truy xuất cho các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký dán tem truy xuất sản phẩm. Khung giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực địa phương vừa được UBND tỉnh ban hành là cơ sở quan trọng để các cấp các ngành chung tay thực hiện nhóm giải pháp phát triển thương hiệu gắn với chuỗi giá trị các sản phẩm đặc sản, bao gồm cả hỗ trợ về truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cần các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng và chủ động hơn nữa trong việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc này đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người tiêu dùng, đồng thời tạo niềm tin ngày càng nhiều cho sản phẩm đặc sản của Huế.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN