Cảng Salvador trên Vịnh All Saints, Bahia, Brazil. Ảnh: World Bank
Nhìn chung, bức tranh tài chính toàn cầu “ảm đạm”, ông James Zhan, Giám đốc Bộ phận Đầu tư và Doanh nghiệp của UNCTAD nhận định.
Ông James Zhan giải thích, đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò quan trọng, bởi nó cho phép các quốc gia tiếp cận với nguồn vốn bên ngoài, công nghệ, tiếp cận thị trường và đóng góp thuế.
Theo UNCTAD, sự sụt giảm chủ yếu là do những cải cách thuế gần đây ở Mỹ, đã khuyến khích các công ty lớn ở quốc gia này hồi hương các khoản doanh thu từ những chi nhánh nước ngoài, chủ yếu từ các quốc gia Tây Âu.
Ngược lại với sự sụt giảm tổng thể trong đầu tư nước ngoài, báo cáo của UNCTAD nêu bật mức tăng 42% trong các dự án “đầu tư mới" (greenfield), lên 454 tỷ USD. Những sáng kiến này có thể liên quan đến việc xây dựng các hoạt động ở nước ngoài ngay từ điểm xuất phát và chúng được xem là một chỉ báo về xu hướng trong tương lai, ông James Zhan nói thêm; đồng thời ghi nhận rằng, đầu tư vào lĩnh vực này đã ở mức tương đối thấp trong cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ giảm nhẹ ở các quốc gia đang phát triển
Trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm chủ yếu ở những quốc gia giàu có hơn, bao gồm Ireland (giảm 81 tỷ USD) và Thụy Sĩ (giảm 77 tỷ USD), các nền kinh tế đang phát triển chứng kiến dòng FDI giảm nhẹ chỉ 4% trong nửa đầu năm nay, xuống còn 310 tỷ USD, so với năm 2017.
Cụ thể, khu vực châu Á đang phát triển giảm 4%, xuống còn 220 tỷ USD trong cùng thời kỳ, chủ yếu là do mức giảm 16% đầu tư vào khu vực Đông Á. Trung Quốc, một ngoại lệ đáng chú ý, là người quốc gia nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong nửa đầu năm 2018, thu hút hơn 70 tỷ USD.
Theo UNCTAD, Mỹ Latinh và vùng Caribê giảm 6% trong các khoản đầu tư. UNCTAD cũng lưu ý rằng, Ai Cập vẫn là quốc gia nhận đầu tư nước ngoài lớn nhất khu vực châu Phi, tăng gần 1/4 so với nửa đầu năm 2017.
Ở khu vực Tây Phi, dữ liệu của UNCTAD cho thấy sự sụt giảm 17% trong đầu tư vào nửa đầu năm nay, từ mức 5,2 tỷ USD xuống còn 4,3 tỷ USD. Điều này một phần được cho là do "môi trường kinh tế toàn cầu biến động", giá cả hàng hóa…
Tuy nhiên, UNCTAD chỉ ra một khoảng cách đáng kể trong việc đầu tư, yếu tố cần thiết cho các quốc gia nghèo hơn để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, một danh sách các mục tiêu đầy tham vọng, bao gồm xóa đói giảm nghèo cùng cực và chấm dứt nạn đói trên thế giới.
Lê Thảo (Lược dịch từ UN News)