Những tập thơ, văn của nghệ sĩ Bảo Cường

Nghệ sĩ-nhà thơ Bảo Cường định cư ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng hơn chục năm nay, hầu như lúc nào Huế có sự kiện văn hoá là lại thấy anh với cái ba lô sau lưng chất các cuốn sách mới xuất bản, dắt thêm chiếc sáo để sẵn sàng phục vụ khi có yêu cầu. Được biết anh đã có được một căn nhà nhỏ ở quê để mỗi khi ra Huế không phải… ở trọ. Anh là hội viên của nhiều Hội Văn học nghệ thuật ở TP. Hồ Chí Minh, đồng thời là hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế.

Chuyện Bảo Cường 2 lần mang sách sang Mỹ và ngâm thơ, thổi sáo giúp bà con Việt kiều đỡ nỗi nhớ Huế, thêm gần với quê hương xứ sở thì nhiều người đã biết. Hơn chục năm gần đây, sau khi tự truyện “Sau một cuộc đời” (NXB Lao động, 2010) ra đời được nhiều người hoan nghênh (tác phẩm này, năm 2012, được in bằng 3 thứ tiếng Anh,  Pháp, Hoa với tên “Vượt qua giông bão”), Bảo Cường nổi tiếng là người liên tục in sách. Chỉ trong 2 năm 2017-2018, Bảo Cường công bố liền 3 cuốn sách dày tổng cộng trên 2.000 trang khổ lớn!

Tôi quen Bảo Cường đã lâu, gặp nhau không biết bao lần ở Huế, cũng đã có lần ngỏ ý muốn cùng lên Dương Hòa quê anh, nhưng anh hẹn: “Tôi đang xây cái nhà ở quê, đợi ra Tết khánh thành, mời anh lên cho vui…” Vậy nhưng một chiều mới chớm thu, Bảo Cường gọi: “Chủ nhật, em đưa bà xã lên thăm quê, mời anh…”. Tuần trước, tôi cũng vừa nghe Bảo Cường báo tin đã đưa vợ từ TP. Hồ Chí Minh ra cùng ở anh.

Do tuổi sắp chạm “bát tuần”, tôi đã từ chối nhiều cuộc vui, nhưng Bảo Cường gọi, tôi "ok" tức thì. Cũng muốn trở lại vùng chiến khu xưa mà năm nào, chúng tôi cùng nhạc sĩ Mặc Hy, nhà văn Trần Nguyên Vấn và các cựu binh Trung đoàn 101 đã tổ chức một chuyến “hành hương” ý nghĩa.

Xe bon qua cầu Tuần, rồi cầu Hữu Trạch, qua bến đò Kim Ngọc một thời nối “đôi bên chiến tuyến” mà không thiếu chuyện vui… Đường bê tông nay trải đến tận thôn xóm, xe dừng ngay trước “nhà” Bảo Cường, mới hay đã tới Dương Hòa. Hai cựu binh thời chống Pháp trong nhóm người ra đón chúng tôi. Một người chính là anh ruột Bảo Cường - ông Nguyễn Cửu Kháng. Người thứ hai là ông Bùi Ngọc Sang - anh con cô cậu ruột của Bảo Cường.

Lúc này, ngoài hai nhà thơ Mai Văn Hoan, Nguyễn Quân và một người quay phim đi cùng xe với tôi, còn mấy người bạn nữa của Bảo Cường đi xe gắn máy cũng vừa tới, trong đó có nhạc sĩ Phương Anh Lợi và ca sĩ Kim Chi… Tất cả ngỡ ngàng trước cái “nhà” mới cứng nổi bật bên sườn đồi ngút ngát cây xanh. Mượn lời một câu trong bài “Lý ngựa ô” thì có thể nói hôm nay là ngày “Bảo Cường đưa nàng về…dinh”! Dẫn câu ca xưa cũng là phải cách, khi “nàng” của Bảo Cường có một cái tên rất chi là… Huế: Huyền Tôn Nữ Mỵ Cơ! Còn “dinh” ở đây chính là cái “nhà” mà Bảo Cường khoe với tôi là ra tết sẽ khánh thành.

Công trình mang tên “Không gian văn thơ nghệ sĩ Bảo Cường” chưa thật hoàn thiện, nhưng cấu trúc, đường nét, các bản khắc câu đối, thơ đã rõ hình hài.

“Không gian văn thơ nghệ sĩ Bảo Cường” xuất hiện bất ngờ nhưng cũng có cái “lý” của nó. Việc bình phẩm về nghệ thuật, tỏ ý thích hay không là tùy mỗi người; có điều, tấm lòng thành của người con “phương xa” đối với quê hương thì sáng rõ như mấy câu trong bài thơ “Hương thơ Dương Hòa” mà Bảo Cường trân trọng khắc ngay “mặt tiền” công trình: “…Tấm lòng kẻ ở phương xa/Tìm về quê mẹ chút quà nhỏ nhoi /Trang thơ sóng gió một đời/Chút hương ngày cũ gọi mời tri âm…”.

Từ nay, bà con Dương Hòa cũng như những ai lên thăm lại vùng chiến khu xưa hẳn sẽ thích thú thấy giữa vùng rừng núi xanh tươi mà xa vắng, không chỉ có lịch sử một thời bom đạn gian khó mà còn hiện diện một không gian chữ nghĩa, với những vần thơ nhắc nhở con người phải biết gìn giữ nếp sống đạo đức, nhân nghĩa. Nhan đề trên chục bài thơ khắc trong công trình độc đáo của nghệ sĩ Bảo Cường đều thể hiện chủ đề giàu tính giáo dục con người không quên nguôn cội: “Công ơn cha mẹ”, “Tìm về quê  mẹ”, “Nhớ cha”, “Quê mẹ bình an”, “Ngôi nhà của mẹ”, “Nghĩa tình tặng vợ”…

Bài, ảnh: Nguyễn Khắc Phê