Tuyên truyền BHXH tự nguyện tại huyện Quảng Điền
Kết quả đáng ghi nhận
Với đặc thù là một huyện nghèo, vùng trũng của tỉnh, điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu làm nông nghiệp và có gần đối tượng chuyển sang tham gia BHXH bắt buộc thì việc duy trì và khai thác phát triển thêm để đạt 190 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là một thách thức đối với BHXH huyện Quảng Điền.
Xuất phát từ nhận thức việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cần có vai trò của chính quyền địa phương các xã, thị trấn - đại lý thu trong công tác tuyên truyền BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện, lãnh đạo BHXH huyện đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo các xã, thị trấn trên địa bàn nhằm tranh thủ sự lãnh chỉ đạo đến toàn bộ cán bộ công nhân viên chức trong toàn đơn vị đặc biệt là các nhân viên được phân công làm đại lý thu cho cơ quan BHXH huyện thấy rõ vai trò, trách nhiệm đặc biệt là ý nghĩa an sinh trong việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, lấy đó làm cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động đến người dân.
Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch mà BHXH tỉnh giao ngay từ đầu năm, BHXH huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp, như: giao chỉ tiêu phát triển đối tượng đến từng cán bộ, từng đại lý thu BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình; tăng cường mở rộng và nâng cao chất lượng mạng lưới đại lý thu tại huyện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền trực tiếp để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện…Sau nhiều lần trăn trở, BHXH huyện Quảng Điền đã chủ động tham mưu và phối hợp với BHXH tỉnh thực hiện 06 cuộc tuyên truyền với hơn 500 đại biểu tham dự.
Lãnh đạo BHXH huyện Quảng Điền cũng đã chỉ đạo sát sao cho đội ngũ cán bộ viên chức của cơ quan; phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo của các UBND các xã, thị trấn cùng với đại lý thu trên địa bàn huyện để tìm ra các giải pháp tuyên truyền có hiệu quả đến với nhân dân. Qua nhiều buổi hội ý của cơ quan, lãnh đạo của BHXH huyện cùng với cán bộ viên chức đã vạch ra các phương pháp, ý tưởng mới trong công tác tuyên truyền BHXH tự nguyện. Trong tháng 8/2018, riêng cán bộ của BHXH huyện đã phát triển thêm 20 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người tham gia mới từ đầu năm lên 28 người, đạt 175% kế hoạch mà BHXH tỉnh giao cho cán bộ BHXH huyện.
Cánh tay nối dài
Các phương pháp tuyên truyền nêu trên đã được nhân rộng làm mô hình điểm tại một số điểm trên địa bàn huyện và đạt được kết quả cao. Đó là sự kết hợp tuyên truyền giữa cán bộ BHXH huyện cùng với lãnh đạo UBND xã, thị trấn và mạng lưới nhân viên đại lý với phương châm “Bám sát địa bàn, tuyên truyền đến từng thôn xóm, từng đối tượng”.
Tính đến nay, toàn huyện Quảng Điền có 2 tổ chức làm đại lý thu, gồm Bưu điện và đại lý thu của UBND các xã, thị trấn với 150 nhân viên. Điều đặc biệt, hệ thống nhân viên đại lý thu của UBND các xã, thị trấn đã hoạt động rất tích cực trong công tác tuyên truyền đến bà con nhân dân. Các nhân viên đại lý thu ở trên địa bàn được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo của các UBND xã, thị trấn đã bám sát và triển khai tuyên truyền đến tận nhà dân.
Chị Lê Thị Thu Hương, cán bộ chính sách thị trấn Sịa, làm nhân viên đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình chia sẻ: “Tôi nhận thấy chính sách BHXH tự nguyện của Đảng và Nhà nước là chính sách ưu việt, mang lại lợi ích lớn cho những người lao động tự do. Sau khi được cơ quan BHXH huyện tập huấn, tôi đã đến từng nhà vận động, tuyên truyền để mọi người hiểu và yên tâm tham gia BHXH tự nguyện, đối tượng tôi hướng đến là những người trẻ, có hiểu biết, có thu nhập ổn định tham gia BHXH tự nguyện để nhận lương hưu khi về già; những đối tượng không đủ điều kiện tham gia BHXH tự nguyện để nhận lương hưu thì vận động tham gia BHXH tự nguyện để nhận trợ cấp mai táng khi qua đời giảm gánh nặng cho con cháu. Khi đóng BHXH đủ 10 năm trở lên mà hết tuổi lao động (nam đủ 60, nữ đủ 55 tuổi) thì được đóng BHXH một lần cho những năm còn thiếu để đủ 20 năm và được nhận lương hưu ngay. Do đó, nếu mới đăng ký tham gia BHXH lần đầu mà người lao động đã ở tuổi 50 đối với nam, 45 tuổi đối với nữ vẫn có cơ hội được hưởng lương hưu theo quy định này”.
Chị Lê Thị Bích Ngọc, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quảng Phú, làm nhân viên đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình bày tỏ: “Những đối tượng được tôi nhắm đến là những đối tượng trước đây đã từng tham gia BHXH bắt buộc, những đối tượng tham gia Bảo hiểm nhân thọ đã ngừng tham gia, những đối tượng có con cái đi làm ăn xa có điều kiện… Bản thân tôi cũng đã phối hợp cùng các anh chị cán bộ BHXH huyện đến từng thôn, tham gia các buổi họp tại thôn và vận động bà con tham gia BHXH với mức đóng bằng mức chuẩn nghèo theo Nhà nước quy định là 700.000 đồng. Giả định, mức chuẩn nghèo không thay đổi, không tính đến yếu tố lạm phát, sau 20 năm đóng BHXH tự nguyện, một lao động nữ đến tuổi hưu (55 tuổi) sẽ nhận được lương hưu bằng 55% thu nhập tháng làm căn cứ đóng. Nếu đóng 154 nghìn đồng/tháng (mức thấp nhất) trong vòng 20 năm, tới tuổi nghỉ hưu sẽ nhận được lương hưu 385 nghìn đồng/tháng hơn gấp đôi số tiền đóng và còn nhiều quyền lợi khác đi kèm....”. Chính điều này chị Ngọc cũng đã phát triển mới trong tháng 9/2018 được 4 đối tượng.
Với phương pháp tuyên truyền này, các nhân viên đại lý thu trên địa bàn huyện đã tiến hành học hỏi và trao đổi kinh nghiệm và bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan.Vận dụng cách làm trên tính đến thời điểm này, cán bộ viên chức BHXH Quảng Điền cùng với các đại lý thu đã phát triển được 65 đối tương tăng mới nâng tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn huyện là 187người; so với chỉ tiêu mà BHXH tỉnh giao là 190 người thì dự kiến đến cuối năm 2018 BHXH huyện Quảng Điền sẽ vượt kế hoạch về số người mà BHXH tỉnh giao.
Đặng Ngọc Tiến - Phó Giám đốc quản lý điều hành BHXH huyện Quảng Điền