Các trường nghề linh động hơn trong tuyển sinh và giảng dạy
Cụ thể, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 140/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội.
Nghị định 140/NĐ CP cắt giảm trên 63% thủ tục và điều kiện kinh doanh lĩnh vực lao động - xã hội. Riêng lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cắt giảm hơn 73%. Một số lưu ý như giảm điều kiện lập trường cao đẳng 5 haa đất xuống còn 2 ha nội thành hoặc 4 ha ngoài đô thị; bỏ điều kiện thạc sĩ trong mở ngành để khuyến khích mở ngành mới, quy định chung tỷ lệ sinh viên/giáo viên là 25 với tất cả các ngành còn cao thấp do hiệu trưởng quyết định; tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng được 40%....
Như vậy, cùng với Nghị định số 49/2018/NĐ- CP ngày 30/3/2018 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đến nay đã có 60 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa, đạt tỷ lệ 56,07% (trong đó, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tỷ lệ 43%, an toàn lao động 33% và phòng, chống tệ nạn xã hội 22%....), đồng thời Bộ LĐTBXH đã bãi bỏ, đơn giản hóa 78 thủ tục hành chính.
Nghị định thay thế Nghị định 48 chuẩn bị ban hành sẽ tiếp tục cắt giảm rất nhiều thủ tục trong kiên kết đào tạo quốc tế và đầu tư nước ngoài. Cho phép linh hoạt trong ngôn ngữ giảng dạy và linh hoạt trong chuẩn đầu vào để tăng cường ngoại ngữ...
Bộ LĐTBXH cũng đã trình Nghị định tự chủ với các trường công lập, theo đó các trường sẽ được tự chủ hoàn toàn về chuyên môn trong mở ngành nghề, xác định chỉ tiêu, liên doanh liên kết và Bộ chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Như vậy, Bộ LĐTBXH đảm bảo đến 31/12/ 2018 sẽ cắt giảm, đơn giản hóa khoảng 65% điều kiện kinh doanh và 61% thủ tục hành chính theo Quyết định số 889/QĐ-LĐTBXH ngày 09/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội.
Theo Báo Tin tức