Cải cách thủ tục hành chính, thuận tiện cho người dân giao dịch
Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của công nghệ thông tin, báo chí truyền thông có vai trò và một sức mạnh vô cùng to lớn, nó vừa là phương tiện hiệu triệu, vừa giải thích chính sách, vừa cổ vũ người lao động, vừa phê phán những sai lệch của các hoạt động, các mô hình (ở đây chúng tôi chỉ nói về BHXH - dù theo quan điểm hay mô hình nào) thì tác dụng và tác hại về an sinh xã hội luôn đi cùng nhau.
Đó là nói về mạch báo chí chính thống, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước; còn về báo mạng, trang thông tin điện tử, mượn diễn đàn hội nghị để tuyên truyền miệng lại càng không thể kiểm soát được một khi người cung cấp thông tin không chú trọng đến đạo đức nghề nghiệp, đánh mất phẩm chất công dân nhà báo trước những vấn đề an sinh xã hội, và có khi nhà báo cũng không thấu hiểu hết những nội dung cơ bản liên quan đến BHXH. Thực tiễn và lý thuyết là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau rất xa.
Một khi thông tin thiếu chính xác (chưa nói đó là thông tin sai lệch, hay cố tình làm cho nó sai lệch theo ý đồ của nhà báo) thì vô cùng nguy hại. Sở dĩ có chuyện thông tin như thế bởi hai nguyên nhân chính: Thiếu thông tin chính thống, thông tin đến với người đọc, người nghe quá chậm và một nguồn thông tin hoàn toàn bịa đặt bôi xấu để cạnh tranh thị phần của nhau, xuất hiện sớm theo đúng bản chất của cơ chế thị trường… Chính vì điều này mà các chủ thể cung cấp thông tin (ở đây là BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh) cần chủ động cung cấp nguồn tin thường xuyên để định hướng cho báo chí. Thông tin cung cấp cho báo chí không chỉ là thông tin công bố tại các cuộc họp báo, thông cáo báo chí, đưa lên trang thông tin điện tử, mà bản thân người đứng đầu cơ quan bảo hiểm có thể chủ động trao đổi, đối thoại, giải thích trên sóng phát thanh – truyền hình, mở đường dây nóng, đôi khi cần thiết thì đến thẳng các doanh nghiệp có đông người lao động trực tiếp giải thích những chính sách mới để người lao động nắm bắt được vấn đề cụ thể và yên tâm hơn trước những nhũng nhiễu của nhiều luồng thông tin trái chiều nhau.
Ở Thừa Thiên Huế có hai cơ quan báo chí lớn: Nhật báo Thừa Thiên Huế và Đài Phát thanh truyền hình Thừa Thiên Huế, mỗi cơ quan này lại có thêm nhiều ấn phẩm phụ (kể cả báo điện tử, và Website). Từ năm 2016 trở về trước, Trung tâm THVN tại Huế còn có chức năng phát sóng thì đây cũng là một cơ quan báo chí quan trọng trên địa bàn. Từ năm 2017, các tác phẩm báo chí do Trung tâm này sản xuất phải phát lệ thuộc trên kênh VTV8, đóng tại Đà Nẵng, đây cũng là một hạn chế nhất định về cung cấp thông tin, giải thích chính sách chế độ đến với người lao động trên địa bàn Thừa Thiên Huế.
Ngoài ra, trên toàn tỉnh hiện có 10 tạp chí chuyên ngành do Bộ Thông tin Truyền thông cấp phép hoạt động, có 9 Đài Truyền thanh truyền hình cấp huyện, hơn 30 ấn phẩm của các sở ban ngành do Sở Thông tin và Truyền thông cấp phép, với hai cổng thông tin điện tử, hàng trăm trang thông tin điện tử hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp… Chỉ tính riêng địa bàn Thừa Thiên Huế thì các loại hình báo chí và truyền thông đã vô cùng phong phú.
Nhật báo Thừa Thiên Huế có hẳn một chuyên trang thường xuyên có bài viết về cơ quan, đơn vị, nhân tố điển hình trong việc thu đóng BHXH, BHYT, BHTN. Công tác an sinh xã hội được chú trọng phản ánh nhiều mặt của người lao động trên trang báo của Đảng bộ tỉnh một cách khách quan.
Đài Phát thanh truyền hình tỉnh (TRT) mở chuyên trang chuyên mục về các hoạt động của Bảo hiểm xã hội, về an sinh xã hội; giải đáp, tư vấn các chế độ, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp…
Dù không thường xuyên nhưng các cơ quan báo chí trên địa bàn vẫn có trang phổ biến kiến thức, pháp luật; thông tin lý luận, thực tiễn an sinh xã hội, Bảo hiểm xã hội, BHYT, BHTN … đến người lao động, và nhất là phổ biến chính sách chế độ nghỉ hưu (lộ trình tuổi nghỉ hưu mới của nam và nữ từ sau năm 2018) đến các đối tượng đóng bảo hiểm của đơn vị.
Năm 2016, được sự đồng ý của BHXH Việt Nam, BHXH Thừa Thiên Huế đã chủ động mời các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan báo chí trên địa bàn cùng phối hợp tổ chức một giải báo chí về Bảo hiểm xã hội. Giải quy tụ được nhiều cây viết chuyên và không chuyên, nhiều loại hình báo chí, với nhiều thể tài thể loại khác nhau. Giải đã tạo nên một hoạt động truyền thông sôi nổi, liên tục nhiều tháng chuyên về công tác bảo hiểm xã hội, cải cách hành chính, mô hình làm hay, các hoạt động nhân văn nhân ái, và những khó khăn từ cơ sở, doanh nghiệp nhỏ và vừa về công tác đóng BHXH, BHYT, BHTN …
Đến thời điểm này, BHXH Thừa Thiên Huế là đơn vị duy nhất trên cả nước tổ chức được một giải báo chí ở quy mô cấp tỉnh; từ kết quả của giải này đã có nhiều tác phẩm được BHXH Thừa Thiên Huế chọn để gửi tham dự giải báo chí toàn quốc do BHXH và Hội Nhà báo Việt Nam đồng tổ chức. Tác phẩm “Chuyến xe kỳ thù” của Trung tâm THVN tại Huế được Hội đồng trao giải A về thể loại báo chí truyền hình.
Công tác báo chí truyền thông không chỉ để tuyên truyền cái được của BHXH tỉnh, mà còn phản ánh những hạn chế, những mặt tiêu cực, sách nhiễu của cán bộ, nhân viên làm công tác bảo hiểm; đồng thời cũng chỉ ra những việc chưa làm được có thể dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ BHXH, BHYT, làm mất an ninh chính trị đến toàn xã hội.
Rõ ràng, báo chí truyền thông cùng đồng hành với BHXH Việt Nam và ngược lại, sẽ tạo nên môi trường lành mạnh về chính sách bảo hiểm cho người thụ hưởng.
Dương Phước Thu - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế