Các ngành ký kết quy chế phối hợp về BHXH 

Đến thời điểm này, mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về BHXH, BHYT cũng như các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT đã tương đối đầy đủ. Công tác tổ chức bộ máy và quản lý hoạt động tuyên truyền đã từng bước được hoàn chỉnh. Nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động tuyên truyền cũng đã được tích cực đổi mới. Tuy nhiên, số người tham gia BHXH, BHYT tuy có tăng nhưng không bền vững và vẫn chủ yếu là các nhóm đối tượng trong diện bắt buộc. Việc mở rộng đối tượng tham gia các loại hình BHXH, nhất là BHYT tự nguyện còn rất khó khăn, tỷ lệ tham gia rất thấp. Theo kết quả khảo sát, hiện còn khoảng 30%/ tổng số lao động trong độ tuổi (bao gồm: lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xã viên các hợp tác xã, lao động tự do và một phần đáng kể lao động trong các làng nghề và khu vực nông thôn) chưa tham gia BHXH tự nguyện. Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp làm xâm hại trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ về BHXH, BHYT ngày càng gia tăng. Tình trạng NLĐ thỏa hiệp với chủ sử dụng lao động để trốn đóng BHXH, BHYT cho chính bản thân mình vẫn đang diễn ra ở nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất. Những hạn chế bất cập của công tác tuyên truyền được cho là một trong những nguyên nhân của tình trạng này.Sở dĩ như vậy là vì tính chủ động trong công tác thông tin, tuyên truyền chưa cao, nhiều lúc còn thụ động; chưa theo dõi, nắm bắt kịp thời dư luận xã hội hoặc những phản ứng trái chiều của NLĐ và nhân dân liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT để chủ động giải đáp.

Để khắc phục được những bất cập hạn chế nêu trên, công tác tuyên truyền cần phải được coi trọng và quan tâm sâu sắc hơn, theo đó việc phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị,nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng hành của các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT,có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt.

Những năm qua, công tác tuyên truyền trong toàn hệ thống, đã được lãnh đạo BHXH Việt Nam chỉ đạo một cách quyết liệt và đồng bộ trên phạm vi cả nước. Để phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT từ nhiều năm nay, BHXH Việt Nam thường xuyên duy trì thực hiện các chương trình phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là với các cơ quan truyền thông quốc gia: Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn Xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; và nhiều cơ quan báo chí TW và địa phương. Mỗi năm, trên sóng của Đài phát thanh - truyền hình, trên các trang báo ra hằng ngày đã cóhàng ngàn phóng sự, tin bài, các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, các cuộc tọa đàm trực tiếp trên sóng có nội dung tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đã được cập nhật một cách kịp thời, và mang lại hiệu quả tuyên truyền to lớn. Ngoài đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ năm 2011 đến nay, đặc biệt là từ sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 21 NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, BHXH Việt Nam đã duy trì việc thực hiện các chương trình phối hợp tuyên truyền về BHXH, BHYT với nhiều đơn vị Bộ, Ngành và tổ chức, đoàn thể, như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, TW Hội Nông dân Việt Nam, TW Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Giáo dục và Đào tạo …

Theo chỉ đạo chung của BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố cũng đã và đang chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể tại địa phương như Hội Nông dân, Hôi Phụ Nữ, Liên minh HTX Việt Nam… thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cơ sở, như đối thoại, tư vấn chính sách pháp luật về BHXH, BHYT với hội viên hội nông dân; hội viên hội phụ nữ; xã viên HTX các làng nghề; lao động tại các khu công nghiệp, người dân ở nông thôn, miền núi, duyên hải thuộc nhiều tỉnh, thành phố như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc,Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình,Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa;, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Đắk Lắk , Gia lai, Bà rịa- Vũng Tàu, Đồng Lai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Long An; Vĩnh Long … TW Đoàn đã tổ chức thành công “Ngày hội BHYT với học sinh, sinh viên” tại Nam Định, Thanh Hóa”. VCCI tổ chức đối thoại với các chủ sử dụng lao động tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), tại khu công nghiệp Đình Vũ (Quảng Ninh) và với đông đảo công nhân tại một số khu công nghiệp và chế xuất ở Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Phúc và Hà Nam (khu công nghiệp Đồng Văn)…; có hàng trăm cuộc đối thoại, tọa đàm về BHXH, BHYT đã được tổ chức tại nhiều cơ sở, thu hút sự tham gia của nhiều nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm giới chủ sử dụng lao động; NLĐ trong các khu chế xuất, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ; xã viên hợp tác xã, làng nghề; cán bộ, hội viên Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, TW Đoàn công nhân, lao động trẻ trong các doanh nghiệp, phụ nữ, HSSV…. Hình thức hoạt động này đã và đang đem lại hiệu quả tuyên truyền một cách rõ rệt. Niềm tin của các tầng lớp nhân dân và người lao động vào đường lối của Đảng , chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, cũng ngày càng được bồi đắp, củng cố.

Nguyễn Đức Toàn Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông BHXH Việt Nam