Sự gia tăng của chất thải nhựa là vấn đề quan tâm lớn của toàn cầu. Ảnh: UN Environment
Chương trình nhằm mục tiêu tăng cường hợp tác với một số nước ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á để thực hiện các hành động chung, tiến đến giải quyết vấn đề sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nhựa ô nhiễm với môi trường. Chính phủ các nước cũng sẽ thực thi phòng chống chất thải nhựa xâm nhập vào môi trường biển.
Dự kiến, chương trình sẽ tập trung thúc đẩy đối thoại chính sách, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm từ các nước châu Âu, nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ và thí điểm các giải pháp quản lý chất thải nhựa hiệu quả hơn ở khu vực châu Á.
Tuyên bố được Đại sứ EU Franz Jessen đưa ra trong bối cảnh sự gia tăng của chất thải nhựa và việc rò rỉ loại chất thải độc hại này ra môi trường là mối quan tâm lớn của toàn cầu.
Được biết, không chỉ phá hủy đến hệ sinh thái, sức khỏe con người cũng chịu nhiều ảnh hưởng khi tiêu thụ thủy hải sản ăn phải phế phẩm nhựa. Để giảm thiểu tối đa những hậu quả nghiêm trọng, đại sứ Jessen khuyến cáo người trong ngành cần chuyển đổi từ sản xuất nhựa 1 lần sang sử dụng nhựa có thể tái chế. Ngoài ra, nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân cũng là vấn đề tối quan trọng, nhất là tiếp cận, sử dụng nhựa hợp lý. Một khi chuỗi hành động được triển khai hiệu quả, mọi người sẽ được sống trong môi trường lành mạnh hơn.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ Philstar Global)