Đối với thị xã Hương Thủy nói riêng, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, Thủy Bằng là điểm sáng về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đây được xem là nền tảng quan trọng để tỉnh và thị xã Hương Thủy chọn làm điểm xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới trong số 20 xã toàn tỉnh.

Theo Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh, Thủy Bằng có nhiều thành tích tốt trong thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển những phong trào khác như phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng nông thôn mới.

Thủy Bằng có 13 thôn, Dạ Khê là thôn đầu tiên của xã được công nhận thôn đạt chuẩn văn hóa vào năm 2002 và đến năm 2009, tất cả các thôn còn lại của xã đều được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Nhiều thôn được công nhận đạt chuẩn văn hóa lần thứ hai trở lên. Địa phương đã kết hợp, lồng ghép nhiều phong trào, hoạt động vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, được người dân đồng tình hưởng ứng, như: Mô hình “5 không, 3 sạch” do Hội Phụ nữ xã triển khai; Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ xã phối hợp thực hiện “tuyến đường không rác” tạo môi trường thôn, xóm xanh - sạch - đẹp; thực hiện tốt mô hình không sinh con thứ ba trở lên; mô hình xã không có tội phạm và tệ nạn xã hội,... Tại thôn Dương Phẩm, nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất làm đường liên xã, trong đó phải kể đến hộ ông Đậu Hải Sơn, hộ ông Hoàng Lãm hiến hơn 1.000m2 đất để làm đường. Tại thôn Châu Chữ, người dân tự nguyện đóng góp kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng làm đường giao thông nội đồng và giao thông nông thôn. Trong việc giải phóng mặt bằng xây dựng khu thể thao và nhà văn hóa xã có hàng chục hộ dân chấp hành giao đất đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi.

Một chuyển biến đáng ghi nhận tại Thủy Bằng trong việc thực hiện xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là nhận thức của cán bộ và nhân dân trong việc cưới, việc tang và lễ hội được nâng lên khá rõ, đạt nhiều kết quả tốt. Phong trào văn hóa, văn nghệ, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa tốt đẹp của địa phương được quan tâm, duy trì. Hàng năm vào ngày 18 tháng 11 (ngày hội đại đoàn kết toàn dân), các thôn đều tổ chức hoạt động lễ hội trang trọng, tiết kiệm trong đó phần lễ kết hợp tôn vinh, khen thưởng những gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương, động viên con cháu hiếu học, ngoan hiền. Phần hội được nhân dân đóng góp làm bữa cơm đại đoàn kết (tất cả gia đình trong thôn tắt lửa bếp ăn để tham gia bữa cơm đầm ấm này).

Các trò chơi dân gian, truyền thống cũng được mọi người tham gia sôi nổi như: bịt mắt đập om, nhảy bao bố, đua ghe trên sông Hương. Đáng chú ý là trong việc cưới, việc tang địa phương vận động nhân dân thực hiện tiết kiệm. Đám tang không để dài ngày, không mời cơm, tiếp đãi. Quy ước văn hóa của thôn quy định đám tang không để quá ba ngày việc hỗ trợ, giúp đỡ gia đình người có tang lễ được thực hiện chu đáo, có sự đóng góp, giúp đỡ nhiệt tình, đầy đủ của người dân trong thôn. Đối với việc cưới, không tổ chức ăn uống linh đình và gây mất trật tự, trị an thôn xóm.

Đến thăm Thủy Bằng những ngày giáp tết Giáp Ngọ, chúng tôi được lãnh đạo xã thông báo nhiều tin vui. Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương sẽ có một nhà văn hóa và một khu thể thao khang trang, bề thế trong đó kinh phí từ trung ương và địa phương tỉnh, huyện, xã đầu tư 5 tỷ đồng để xây dựng.

Bài, ảnh: Hữu Uy