Loạn ngữ vì phụ thuộc thiết bị điện tử
Câu chuyện mới đây do giáo viên Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Giáo dục, Hà Nội kể lại đã khiến nhiều người giật mình.
Theo đó, có gia đình nộp 100 triệu đồng/tháng cho con học tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ. Thấy không hiệu quả, bố mẹ liền đưa con đến xin tư vấn về ngôn ngữ.
Qua thăm khám, các chuyên viên cho biết bé cần trị liệu bởi chậm nhận thức cả tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ. Do không biết, trước đó, phụ huynh kỳ vọng quá lớn, ép trẻ học tiếng Anh từ sớm và không đúng cách. Ngoài ra, nhiều cha mẹ quá vô tâm, để con cả ngày sử dụng smartphone, iPad…
Đây không phải trường hợp duy nhất bởi theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Giáo dục, trong hai năm vừa qua, mỗi tháng trung tâm nhận khoảng 50 trẻ đến trị liệu. Và mất khoảng 2-3 năm, việc trị liệu này mới có kết quả.
Chia sẻ với PV, cô Nguyễn Lam Giang, Trưởng đại diện khu vực Đông Nam Á của Trường ĐH Waikato (New Zealand) cho hay: “Tôi đã chứng kiến rất nhiều gia đình chỉ nói mỗi tiếng Anh với con. Khi vào lớp 1, bé đã gặp khó khăn về giao tiếp.
Tôi đã biết nhiều gia đình, có những người rất có học thức, rất hiểu biết và có tiền, cho con học trường quốc tế. Tuy nhiên, khi vào học, con bị rối loạn ngôn ngữ và không học được.
Sau đó người mẹ phải tìm đến bác sĩ tâm lý, cho con đi lại từ đầu của tiếng Việt với các chữ A, B, C và giúp con hòa nhập với các bạn ở trường”.
Cũng theo cô Giang, việc học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung từ sớm không phải là xấu, thậm chí rất tốt.
Một trẻ em đang được tư vấn ngôn ngữ tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Giáo dục. (Ảnh: VTV)
“Bản thân tôi cũng cho con học tiếng Anh từ 4 tuổi nhưng tôi nghĩ nên học đúng cách. Tôi cho rằng, tiếng Việt vẫn là đầu tiên, là bước đệm rất tốt cho con học các ngôn ngữ thứ hai, thứ ba”, cô Giang nói.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cho hay, hiện nay các gia đình cho trẻ tiếp cận với các phương tiện máy móc sớm và quá phụ thuộc vào những phương tiện này, khiến trẻ bị loạn ngôn ngữ và các chức năng khác như: nghe, nói, đọc, viết.
Ông giải thích thêm, trẻ học ngoại ngữ phải có sự tương tác. Khi tiếp xúc nhiều và lâu với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính... trẻ sẽ bị ức chế, gây nên stress làm đứt đoạn các tế bào thần kinh. Vì vậy, việc dẫn truyền các thông tin sẽ bị đứt đoạn.
“Chỉ chăm chăm học tiếng Anh: Đấy là sai lầm!”
Chia sẻ về việc học ngoại ngữ thế nào là phù hợp, cô Giang cho rằng, có rất nhiều nghiên cứu, các trường đại học đã chứng minh, nếu một người giỏi ngôn ngữ thứ hai thì trước hết phải giỏi tiếng mẹ đẻ.
“Các phụ huynh muốn cho con học tiếng Anh từ rất sớm là điều tốt nhưng trước hết phải tập trung vào tiếng mẹ đẻ. Điều này đã được khẳng định bởi rất nhiều nghiên cứu mang tính quốc tế từ các chuyên gia, các nhà sư phạm”, cô Giang nói.
Cũng theo cô Giang, nhiều nơi trên thế giới, chẳng hạn như New Zealand, tiếng Maori chiếm 15% và họ bảo tồn tiếng Maori rất tốt và họ đưa vào tất cả các chương trình từ mầm non đến đại học để tất cả các học sinh đều được tiếp cận - kể cả những em không phải thuộc dân tộc Maori.
“Không những giới thiệu ngôn ngữ này, họ còn giới thiệu cả phong tục, tập quán để học sinh tiếp cận. Họ quan niệm, để giỏi được ngôn ngữ thứ hai, thứ 3, ngôn ngữ mẹ đẻ phải là hàng đầu và ưu tiên ngôn ngữ mẹ đẻ hàng đầu.
Ở Việt Nam, Bộ GD&ĐT luôn đưa chương trình tiếng mẹ đẻ vào nhà trường, để đứa trẻ trước hết phải giỏi tiếng mẹ đẻ đã, khi đó các em học tiếng Việt trên một nền tảng tốt”, cô Giang nói.
Ngoài ra theo cô Giang, có thể để trẻ nói song song hai ngôn ngữ nhưng tốt nhất, không nên để trẻ chỉ chăm chăm nói mỗi tiếng Anh ở nhà, đấy là một sai lầm.
Còn PGS. TS Kỳ Anh cho rằng, sau một tuổi trở lên, trẻ có thể tiếp cận các ngôn ngữ rất tốt với điều kiện người chăm sóc trẻ phải tương tác chứ không phải dùng các phương tiện thay thế như điện thoại, máy tính…
“Có thể có tình trạng trẻ bị sang chấn tâm lý nếu ép buộc trẻ học ngoại ngữ không đúng cách. Cho dù học một tiết hay 2 tiết ngoại ngữ, nhưng phải bằng cách kết hợp giữa ngôn ngữ tiếng và ngôn ngữ cơ thể, trẻ sẽ “chụp hình” lại để “xử lý”.
Nếu bố nói tiếng Việt, mẹ bé nói tiếng Anh thì trẻ vẫn có thể học được 2 ngôn ngữ này rất tốt. Nhưng trong một câu nói mà vừa nói tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì không được, trẻ sẽ bị kích thích căng thẳng, gây “loạn”, PGS Kỳ Anh cho biết.
Theo Dân Trí