Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới đau đầu vì chất thải nhựa ứ đọng. Ảnh: Jakarta Post

Bộ Môi trường Nhật Bản nhận định, hiện có khoảng ¼ trong tổng số tất cả các chính quyền các tỉnh, thành thông báo đã và đang ghi nhận số lượng phế phẩm nhựa rất lớn tại địa phương, một số đã vượt quá tiêu chuẩn vệ sinh cần được thu gom, xử lý ngay lập tức.

Cũng theo kết quả của một cuộc điều tra chung, với lượng rác thải như hiện nay, chi phí xử lý đang tăng cao gấp nhiều lần. Ngoài Nhật Bản, nhiều nước trên thế giới cũng đang đau đầu triển khai kế hoạch xử lý rác thải sau khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu phế phẩm nhựa.

Được biết, kể từ năm 1992, gần 2/3 trong tổng số lượng phế phẩm nhựa toàn cầu đều được Trung Quốc và Hongkong nhập khẩu. Tuy nhiên, đến tháng 1/2018, Trung Quốc tuyên bố ngưng nhập khẩu với hàng loạt loại phế phẩm nhựa để phù hợp với chính sách môi trường mới của nước này. Trước khi lệnh cấm được triển khai, ước tính mỗi năm Nhật Bản xuất khẩu đến 1,5 triệu tấn phế phẩm nhựa sang Trung Quốc.

Trước tình hình thay đổi bất ngờ, chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng năng lực trong nước để xử lý chất thải nhựa, đồng thời ngăn chặn bán phá giá phế phẩm nhựa bất hợp pháp. Chiến dịch tăng cường tái chế cũng là một trong những nỗ lực mới nhất của quốc gia này.

Đan Lê (Lược dịch từ Jakarta Post)