Lướt qua đề thơ: “Đêm”, “Giọt sương câm”, “Biếc xuân”, “Bóng chiều”, “Trăng vỡ”, “Mưa”, “Trở lại với Hương Trà”... Thì ra cuộc sống xung quanh mình đều là cảm xúc thơ của Triệu Nguyên Phong. Anh nhìn vào đâu cũng thấy thơ cả. Thì ra cuộc đời xung quanh chúng ta đáng yêu biết bao. Đọc kỹ từng bài thơ một, tôi thấy quê hương và tình yêu là hai đề tài sâu sắc nhất mà nhà thơ cưu mang.
 
 
Triệu Nguyên Phong nhìn Huế bằng con mắt ngỡ ngàng:
 
“Bến xưa
Đò vắng
Thêm sầu
Chỉ ta về
Huế
Nhặt câu thơ gầy”
(Hạt mưa tím)
 
Huế trong anh lúc nào cũng đầy những kỷ niệm mộng mơ. Phải yêu Huế lắm mới bâng khuâng trước Huế ngần ấy, để anh nhặt được câu thơ gầy. Ít ỏi thôi, nhưng hoành tráng biết bao.
 
Nhà thơ không quên giới thiệu với bạn đọc về những đặc sản quê mình:
 
“Tôi cầm vị ngọt thanh trà
Từ Hương Vân xuống
Làm quà sơ nhiên
Thuyền qua mấy bến lụy phiền
Sông Bồ chở hết
một triền cỏ cây”
(Vị ngọt quê nhà)
 
Không yêu quê làm sao thấm tình quê đến thế, tự hào về hoa trái quê mình đến thế, dẫu đó chỉ là một quả thanh trà. Hơn thế nữa, đến thúng, mủng, giần, sàng Triệu Nguyên Phong cũng đưa được vào thơ một cách nhẹ nhàng.
 
“Tràng nghiêng
Thúng – mủng –
giần – sàng
Giống quang gánh mẹ
Ngày vàng tuổi con”
(Về)
 
Đó là Triệu Nguyên Phong mới nói về cảnh quê, khi anh đụng tới con người thì ý thơ vút lên, ta cảm thấy lúc đó trong lòng nhà thơ đang náo nức, rộn ràng:
 
“Hai tay trĩu nặng chiều đi
Tình tôn nữ
Mối đời si
Nết người
Áo hoàng hoa hứng
mưa rơi
Thời gian nhịp gõ
qua rồi còn đâu”
(Chiều trong mưa)
 
Song rung động nhất của nhà thơ đối với quê hương là người mẹ. Nhà thơ thấm đẫm tình máu mủ ấy:
 
“Một đời mẹ hát ru quê
Lời ca dao chảy mãi
tê tái lòng”
(Hai dòng sông thơm)
 
Thơ tình của Triệu Nguyên Phong tràn trề, nói mãi không hết. Điều đáng khen ở Triệu Nguyên Phong là thơ lục bát của anh. Tình huống nào, lục bát cũng như hương bay ngào ngạt.
 
Câu lạc bộ thơ Sông Bồ của Hương Trà có hơn 20 nhà thơ. Triệu Nguyên Phong là một gương mặt đáng trân trọng trong câu lạc bộ ấy. Thơ anh luôn chinh phục người đọc. Anh bảo: “Tình đời là vực xoáy trong thơ tôi”. Càng đọc thơ anh, ta càng thấy vực xoáy đầy nhân nghĩa ấy.
Nguyễn Quang Hà