19 dự án liên quan đến các vấn đề khí hậu sẽ nhận được tài trợ từ Quỹ khí hậu Xanh. Ảnh: Getty Image
Trong một cuộc họp 4 ngày ở Bahrain vừa kết thúc vào cuối tuần qua, các quan chức của Quỹ Khí hậu Xanh cũng đồng ý bắt đầu tìm kiếm các nguồn tiền mới cho năm tới, khi số vốn ban đầu trị giá khoảng 6,6 tỷ USD sẽ sớm được sử dụng hết.
Quỹ đầu tư này được coi là một phương tiện quan trọng cho các chương trình phát triển liên quan đến khí hậu, ban đầu dự kiến nhận được hơn 10 tỷ USD từ các nước giàu trong năm 2018. Tuy nhiên, quyết định rút lại 2 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong số 3 tỷ USD mà cựu Tổng thống Barack Obama đã cam kết trước đó, đã góp phần vào việc thiếu hụt tài sản của quỹ.
Các khoản tài trợ được phê duyệt tại cuộc họp ở Manama bao gồm các dự án liên quan đến năng lượng địa nhiệt ở Indonesia, các thành phố xanh ở châu Âu và Trung Đông, và bảo vệ các cộng đồng ven biển ở Ấn Độ.
Tuy nhiên, các đại biểu tham dự hội nghị cũng tranh cãi về yêu cầu được nhận tài trợ từ nước chủ nhà Bahrain nhằm bảo vệ tài nguyên nước ngọt của quốc gia này. Các nhà môi trường chỉ ra rằng quốc gia vùng Vịnh có thể trả tiền cho chính dự án bằng cách sử dụng nguồn tiền đã tạo ra nguồn dự trữ dầu khí khổng lồ. Dự án cuối cùng cũng được phê duyệt, nhưng chỉ với mức tài trợ 2,1 triệu USD trong số 9,8 triệu USD mà Bahrain yêu cầu.
Quyết định về một khoản tài trợ của Trung Quốc đã bị trì hoãn sau khi Nhật Bản và Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại về việc liệu số tiền đó có thể được sử dụng để trợ cấp cho việc biến nghiên cứu thành công nghệ mới hay không.
Cuộc họp mới nhất của Quỹ Khí hậu Xanh diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh ở Katowice, Ba Lan, về tương lai của Hiệp định khí hậu Paris 2015. Dự kiến, vấn đề tài trợ cho các nước đang phát triển để giảm thiểu và thích ứng với sự nóng lên toàn cầu cũng sẽ là trọng tâm thảo luận của cuộc họp đó.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Devdiscourse)