Kiểm lâm Khu BTSL phát hiện cá thể dúi bị săn bắt

Bám rừng

Gắn bó với Khu BTSL kể từ ngày mới thành lập đến nay, anh Trần Văn Lâm, cán bộ Ban Quản lý Khu BTSL trải bao gian khó trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR). Dù có sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị, chương trình, dự án và đội bảo vệ rừng chuyên trách, lực lượng dịch vụ môi trường rừng nhưng diện tích rừng quản lý rộng, lực lượng mỏng là khó khăn lớn đối với Khu BTSL trong quá trình tuần tra, kiểm soát, bảo vệ.

Dù nhiều khó khăn nhưng từ khi thành lập đến nay, các lực lượng luôn bám rừng, phối hợp với các đơn vị rừng phòng hộ, kiểm lâm, biên phòng… túc trực, tuần tra 24/24 giờ nhằm ngăn chặn kịp thời các dấu hiệu vi phạm, các vụ săn bắt động vật hoang dã (ĐVHD), chặt phá rừng trái phép.

Cùng với tích cực tuần tra, giám sát, Ban Quản lý Khu BTSL còn tổ chức khảo sát, đánh giá nguy cơ cao dễ xảy ra các hành vi khai thác, vận chuyển, săn bắt động thực vật rừng trái phép. Đơn vị đã tăng cường lực lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 2 trạm kiểm lâm cửa rừng Tây Sao La, A Tép và 2 trạm kiểm lâm cửa rừng A Kỳ, đường 74 nhằm nâng cao hiệu quả giám sát người ra vào rừng và các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đường 74, tuyến đường A Kỳ và dọc sông Hữu Trạch...

Hỗ trợ sinh kế

Anh Tạ Anh Nam, cán bộ Khu BTSL cho rằng, hỗ trợ sinh kế là một trong những giải pháp “hữu hiệu” trong QLBVR.

Ngoài tuần tra, kết hợp sử dụng các công cụ, máy tính bảng, định vị, Khu BTSL còn tranh thủ sự tài trợ của các tổ chức, như dự án WWF hỗ trợ nâng cao nhận thức, năng lực QLBVR cho các lực lượng chức năng và người dân. Đơn vị đã triển khai chính sách hỗ trợ cho người dân ổn định sinh kế với kinh phí 40 triệu đồng/thôn thuộc vùng đệm khu bảo tồn để xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, giảm áp lực kinh tế, đời sống dựa vào tài nguyên rừng. Kết quả cho thấy, tuy mới chỉ năm đầu triển khai các hoạt động hỗ trợ sinh kế, xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi, số lượng người vào rừng và vụ vi phạm lâm luật giảm đáng kể, không để xảy ra các “điểm nóng” chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng, săn bắt ĐVHD trái phép.

Cách đây vài tháng, dự án Trường Sơn Xanh hỗ trợ kinh phí mua giống keo lai, công trồng và chăm sóc rừng sản xuất, người dân chỉ đối ứng khoảng 30% kinh phí (chủ yếu góp phần nâng cao trách nhiệm trong quản lý, chăm sóc vườn cây). Mới đây, Khu BTSL tiếp tục triển khai kế hoạch hỗ trợ cho 6 thôn vùng đệm về mô hình sinh kế do dự án thuộc Quỹ Môi trường Thế giới tài trợ, mỗi thôn 10 ngàn USD. Các cơ quan chức năng đang tổ chức họp thôn, bình xét đối tượng và nắm bắt nhu cầu của người dân về việc chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp đưa vào sản xuất. Được biết nhu cầu của bà con được hỗ trợ chăn nuôi bò, nuôi cá, gia cầm. Thông qua các chính sách, dự án này sẽ giảm áp lực dựa vào rừng đối với người dân địa phương.

Box: 9 tháng đầu năm 2018, qua kiểm tra, giám sát tại Khu  bảo tồn Sao La, các lực lượng đã lập biên bản gần 20 vụ người dân xâm nhập rừng trái phép (giảm khoảng 20 vụ so với cùng kỳ năm trước), hủy 50 lán trại, lập biên bản 130 vụ đặt bẫy động vật rừng, phá hủy và tháo dỡ gần 6.000 bẫy động vật các loại...

Bài, ảnh: Hoàng Thế