Bất chấp căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, nhiều chuyên gia kinh doanh trên thế giới vẫn lạc quan về thương mại toàn cầu. Ảnh: AFP

Khảo sát của Bloomberg được tiến hành trên 2.000 chuyên gia kinh doanh tại 20 thị trường cho thấy, 74% trong số họ lạc quan rằng hệ thống thương mại toàn cầu có thể được phục hồi, mặc dù là trong dài hạn.

Với sự gia tăng của các nền kinh tế mới, 1/2 các chuyên gia nhận định rằng, một mô hình toàn cầu hóa tập trung vào thương mại tự do đa phương và biên giới mở có thể mang lại hiệu quả, mặc dù mô hình phải được điều chỉnh để phân bổ lợi ích đồng đều hơn trên các khu vực rộng lớn hơn.

Theo ông Justin B Smith, Giám đốc điều hành của Bloomberg Media Group, “cuộc khảo sát cho thấy sự khác biệt lớn trong nhận thức về tương lai và nhấn mạnh sự cần thiết phải tập hợp các nhà lãnh đạo toàn cầu trong kinh doanh và chính phủ để tìm giải pháp cho một số thách thức lớn nhất của thế giới”.

Kết quả cuộc khảo sát cũng thể hiện niềm tin trong triển vọng thương mại ở các nước đang phát triển lớn hơn là ở các nước phát triển, nơi mà chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng. Bất chấp căng thẳng Mỹ-Trung, hơn 3/5 các chuyên gia kinh doanh từ các thị trường mới nổi bày tỏ lòng tin rằng lượng thương mại toàn cầu sẽ lớn hơn trong 5 năm tới.

Tom Orlik, nhà kinh tế trưởng của Bloomberg nhận định, một trong những phát hiện nổi bật từ cuộc khảo sát này là sự phân hóa giữa lạc quan về triển vọng thương mại toàn cầu ở các thị trường mới nổi và bi quan ở các nền kinh tế phát triển. “Điều này cho thấy, đối với các thị trường mới nổi, những tổn thất do cuộc chiến thương mại có thể ít hơn dự kiến. Nếu các doanh nghiệp duy trì sự lạc quan cơ bản về triển vọng thương mại, việc tiếp tục tuyển dụng và đầu tư có thể thúc đẩy tăng trưởng, ngay cả khi các rào cản thuế quan tăng lên”.

Những vấn đề như vậy sẽ được chú trọng trong Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg diễn ra tại Singapore (ngày 6/11-7/11/2018), nhằm phát triển các giải pháp do khu vực tư nhân dẫn đầu để giải quyết một số thách thức lớn nhất thế giới, bao gồm thị trường toàn cầu hóa, thương mại, công nghệ, tài chính và vốn, khí hậu và đô thị hóa…

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ CNA)