Để thu hút khán giả, các chương trình TTLĐ cần hấp dẫn, lôi cuốn hơn

Chưa hấp dẫn

Toàn tỉnh chỉ có 3 đội TTLĐ chính thức: Đội TTLĐ trực thuộc Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh, Đội TTLĐ huyện A Lưới và Đội Tuyên truyền văn hóa thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Đa số các huyện, thị xã, TP. Huế chưa có đội TTLĐ chính thức hoạt động, cán bộ phụ trách đều ở bộ phận khác kiêm nhiệm. Đội ngũ làm công tác tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu. Định biên cho đội TTLĐ chưa ổn định, thống nhất, thiếu tuyên truyền viên cả về số lượng và chất lượng. Theo quy định, được định biên từ 5 đến 7 người nhưng thực tế không có địa phương nào có biên chế của đội TTLĐ.

Một thực tế là, công tác TTLĐ phần lớn là theo thời vụ, chưa phát huy hết ưu thế của các loại hình tuyên truyền. Không gian tuyên truyền còn bó hẹp, đối tượng tuyên truyền chưa nhiều, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Phương pháp tuyên truyền chưa đa dạng, nội dung chưa phong phú, bắt kịp thực tế đời sống.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh, cho biết: “Nội dung, hình thức hoạt động tuy đã được cải thiện, nâng cao, song chưa đồng đều. Hoạt động của một số đội còn đơn điệu, nghèo nàn, thiếu chuyên đề sâu, nặng về lý luận, hoặc quá chú ý tới nghệ thuật biểu diễn nhưng lượng thông tin ít, tính cổ động không mạnh. Văn hóa truyền thống các dân tộc vô cùng phong phú, có giá trị, song chưa được khai thác, phục vụ cơ sở có hiệu quả...”.

Các địa phương không có kinh phí, lực lượng để hoạt động. Trang thiết bị được trang cấp thời gian qua thiếu đồng bộ, chưa hiện đại để có thể đáp ứng được yêu cầu hoạt động. Các huyện, thị xã được trang bị xe TTLĐ, loa, máy nhưng thiếu hệ thống âm thanh, ánh sáng phục vụ biểu diễn lưu động. Mỗi khi thực hiện chương trình, đều phải thuê hệ thống âm thanh ánh sáng, làm chi phí tổ chức chương trình tăng cao, theo đó số buổi TTLĐ giảm đi, không nâng cao được chất lượng và nội dung hoạt động của công tác TTLĐ tại các địa phương.

Gần gũi hơn với đời sống

Để thu hút khán giả trong tình hình hiện nay, việc đổi mới tuyên truyền là yêu cầu khẩn thiết, kể cả về quy mô và nghệ thuật tuyên truyền. Tuy nhiên, đổi mới bằng hình thức như thế nào cũng là bài toán khó. Theo bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới, nội dung tuyên truyền phải sát với thực tiễn cuộc sống, hình thức phong phú với nhiều loại hình tuyên truyền kết hợp tránh gây nhàm chán, như: cổ động trực quan, văn hóa văn nghệ, kịch thông tin… Khi lưu diễn, đội TTLĐ nên phối hợp để địa phương tham gia vài tiết mục vào chương trình để vừa thu hút quần chúng, vừa phát triển phong trào ở địa phương. 

Mỗi Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao đều phải có cán bộ nghiệp vụ chuyên trách về công tác TTLĐ. Ông Nguyễn Thanh Hải cho rằng, tuyên truyền viên là “linh hồn” của chương trình TTLĐ, cần nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, khích lệ sự nhạy bén, sáng tạo của tuyên truyền viên trong quá trình sáng tác kịch bản, thuyết trình trước công chúng.

Đại diện Trung tâm Văn hóa, Thông tin – Thể thao huyện Quảng Điền đề xuất, cần tính đến việc khảo sát, tìm hiểu nhu cầu của người dân để nắm bắt thị hiếu, sở thích đối với các hoạt động văn hóa văn nghệ, TTLĐ. Có thể tạo ra những sân chơi cho từng nhóm quần chúng. Trong đó kết hợp sinh động các loại hình văn hóa, nghệ thuật, TTLĐ phù hợp với sở thích, tâm lý của từng nhóm đối tượng để họ trở thành người trong cuộc, cộng hưởng cùng chương trình.

Cùng với việc đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương để tìm những hạt nhân phong trào tốt, các địa phương cũng cần phát huy ưu thế và cách biểu hiện đặc trưng văn hóa vùng, miền để chuyển tải chương trình sinh động, nhẹ nhàng đến người xem. Trong xu thế hiện đại, tuyên truyền, cổ động trực quan cần phát triển mạnh về chiều sâu phù hợp và sát với thực tiễn. Nhìn thẳng vào mặt trái của xã hội, chú trọng đến đối thoại, vận động, thuyết phục, giải đáp trúng những vấn đề bức xúc mà quần chúng Nhân dân đang quan tâm, phản ánh kịp thời ý kiến của Nhân dân và dư luận xã hội là cách khai thác để mỗi chương trình TTLĐ thêm sinh động, hấp dẫn.

Bài, ảnh: Minh Hiền