Không phải ngẫu nhiên mà anh bộc bạch “duyên phận” với ca Huế và dân ca ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đưa đến cho tôi bốn tập sách”. Đó là gia tài không nhỏ của những người tìm hiểu sáng tác lời cho ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên; và càng trân trọng hơn với anh từ một cử nhân toán học do tổ chức phân công mà trở thành phóng viên, tự nghiên cứu, học hỏi, rồi sáng tác các tiết mục cho ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên. Nếu chỉ vì “duyên phận” thôi, mà không có sự đam mê và kiên trì nỗ lực thì chắc gì anh có được một tập sách (chứ chưa nói đến bốn tập sách) như bây giờ, và mấy ai còn nhớ đến tác giả sáng tác lời cho ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên.

Sáng tác nói chung, sáng tác lời cho ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên nói riêng thực chất là sự sáng tạo ra những giá trị mới, mà không phải ai cũng làm được và có cái để lại cho đời. Tri thức, kinh nghiệm, vốn sống là cơ sở của sáng tạo. Muốn đặt lời cho ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên, cần phải có sự hiểu biết cơ bản và vốn sống nhất định về loại hình âm nhạc đặc trưng vừa mang yếu tố bác học (các làn điệu ca Huế), vừa mang yếu tố dân gian (các làn điệu dân ca: lý, hò, vè, nói vần, nói lối...). Nhờ “duyên phận” và bằng nỗ lực, đam mê anh đã sáng tạo ra những đứa con tinh thần đầy kỷ niệm vui buồn, thao thức với người, với đời. Đó là những bài ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên do anh sáng tác lời, góp mặt làm nên "Khúc hát quê hương".

Ở "Khúc hát quê hương", người đọc như được trở về với ký ức tuổi thơ của làng quê hồn hậu, với mái đình, cây đa, bến nước, gặp lại người thân, bạn bè một thuở, hòa mình trong hội làng ngày xuân ăm ắp nói cười. Đâu đây văng vẳng tiếng ru hời, thoang thoảng hương hoa bưởi, hoa cau, miên man trong gió, tinh khiết đến nao lòng. Chất hiện thực ấy đã đi vào những tiết mục ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên như những bài thơ viết về quê hương, đất nước, về Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Cái khó là làm sao để lời ca dễ hát mà không dễ dãi, súc tích mà không khiên cưỡng sáo mòn, yếu tố truyền thống và hiện đại quyện hòa. Đó là hạnh phúc của người cầm bút. "Khúc hát quê hương" đã làm được điều đó. Nó đã góp phần đáng ghi nhận trong việc bảo tồn và phát triển giá trị ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên trong đời sống tinh thần hôm nay, nhất là đối với việc xây dựng đời sống văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Để "Khúc hát quê hương" đến với bạn đọc, tác giả Minh Khiêm luôn có những người bạn tâm huyết và trách nhiệm, âm thầm động viên hỗ trợ.

Biết mấy ân tình trong "Khúc hát quê hương". Trân trọng giới thiệu cùng những ai quan tâm tìm hiểu, học hỏi sáng tác, biểu diễn ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên, di sản quý của cha ông.

Bài, ảnh: Lê Viết Xuân