Trẻ em khiếm thị học tiền hòa nhập tại Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp Trẻ em mù
Chinh phục tri thức
Anh Nguyễn Viết Thương bắt đầu làm quen với máy tính từ năm 2005, khi đó anh đang là học sinh lớp 7. Ban đầu chỉ là sự tò mò bằng việc đăng ký lớp tin học tại Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp Trẻ em mù, thuộc Hội Người mù (HNM) tỉnh, anh dần trở nên say mê với công nghệ thông tin. Thương cho biết, “khó khăn nhất là máy tính dùng tiếng Anh, nên chúng tôi bắt buộc phải học thêm tiếng Anh. Người khiếm thị dùng máy tính bằng trình đọc màn hình, hoạt động theo nguyên lý quét và giải mã các ký tự dạng text sang âm thanh, theo điểm dừng của con trỏ. Sau một thời gian tiếp xúc với máy tính, tôi thấy mình đã tìm thấy ánh sáng qua những nút phím và con chuột máy tưởng như vô hồn”. Sau những năm tháng không ngừng say mê và học tập, anh Thương thu về “chiến lợi phẩm” khi giành giải nhì cuộc thi Liên hoan Tin học toàn quốc dành cho người khiếm thị năm 2017.
Với Nguyễn Thị Yến Anh, sau khi tốt nghiệp loại giỏi của ngành Đông phương học, Trường đại học Khoa học Huế, cô tiếp tục con đường chinh phục tri thức bằng cách “ẵm” học bổng Australia Awards Scholaships (AAS) - Học bổng Chính phủ Úc cho chương trình thạc sĩ. “Từ những năm học trung học cơ sở, tôi đã rất thích và luôn cố gắng học tốt tiếng Anh. Tôi nghĩ, có lẽ nhờ kết quả tốt nghiệp đại học tốt, tiếng Anh ổn và thư giới thiệu của HNM đã giúp tôi có được học bổng này”, Yến Anh chia sẻ. Tỉnh hội là ngôi nhà thứ hai của em, từ khi 5 tuổi em đã bắt đầu theo học tại Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp Trẻ em mù, những thành công của em hôm nay chính là nhờ vào sự vun bồi ban đầu của hội.
Hiểu được tri thức là con đường dẫn đến thành công, trên cơ sở lớp học xóa mù chữ đầu tiên cho cán bộ hội được mở năm 1994 tại Trung tâm Nuôi dưỡng xã hội An Hòa, hội đã cử nhiều cán bộ, hội viên tham gia các khóa đào tạo giáo viên, tích cực chỉ đạo các huyện hội điều tra, khảo sát nhu cầu học chữ, vận động xã hội đã mở được 80 lớp xóa mù chữ Braille cho 1.073 hội viên; cử giáo viên giúp đỡ các tỉnh hội Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Kon Tum dạy các lớp xóa mù chữ Braille cho hội viên.
Hằng năm, Tỉnh hội duy trì và tổ chức thành công hội thi kỹ năng đọc viết nhanh chữ Braille, hội thi tin học dành cho người mù. Việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin dành cho người mù từng bước được áp dụng vào điều hành, quản lý và đưa vào chương trình dạy cho người mù tại tỉnh nhà có hiệu quả. Hội xây dựng thư viện với hơn 500 đầu sách chữ nổi, chữ đen, trên 2.500 bài báo, truyện nói phục vụ việc học, nghe, đọc của cán bộ, hội viên, học sinh trung tâm.
Làm kinh tế giỏi
Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch HNM tỉnh, hóm hỉnh: “Những ngày đầu mới thành lập, Tỉnh hội chỉ có tài sản duy nhất là ước mơ của những người mù có một tổ chức hội để được học chữ, học nghề, có việc làm, thu nhập ổn định cuộc sống”. Hội đã sát cánh cùng người khiếm thị, từng bước xây dựng ước mơ thành hiện thực.
Vợ chồng ông Ngô Văn Liêu và bà Nguyễn Thị Chiu ở thôn Vĩnh An, xã Phong Bình, huyện Phong Điền là một tấm gương làm kinh tế giỏi của người khiếm thị. Ông Liêu khuyết tật tay, bà Chiu bị khiếm thị, cuộc sống thuở mới nên vợ nên chồng bị cái nghèo đói đeo bám. Đến năm 2004, vợ chồng ông bà vay vốn từ HNM tỉnh 4 triệu đồng để làm ăn nhỏ. Sau đó, vay thêm 3 đợt được 45 triệu đồng, ông bà mở rộng quy mô, nuôi thêm lợn, vịt, gà, làm ruộng, trồng hoa màu. Kinh tế đi lên, cuộc sống gia đình thêm phần hạnh phúc khi ông bà nuôi ba người con đều vào đại học và thành tài sau khi ra trường. “Ngày trước khổ sở trăm bề, giờ gia đình khấm khá hơn, chúng tôi cố gắng chăm chỉ làm ăn, tìm được niềm vui trong cuộc sống, niềm tin với cuộc đời”, bà Chiu chia sẻ.
Đó chỉ là một ví dụ sinh động về hiệu quả của các nguồn vốn vay của Tỉnh hội đến với người khiếm thị. Thực tế đến nay, Tỉnh hội đã triển khai 386 dự án với dư nợ cho vay hơn 25,5 tỷ đồng cho 5.561 lượt hội viên vay và thu hút 7.548 lao động trong gia đình hội viên. Hội còn tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm cho hội viên. Đến nay, đã thành lập Công ty TNHH 1TV Niềm Tin 17.4, 5 hợp tác xã, 3 cơ sở sản xuất tạo việc làm cho hơn 290 lao động trong đó có 205 lao động là người mù. Ngoài các mặt hàng truyền thống, như làm hương tăm tre, chổi đót, massage, Công ty Niềm Tin đã xuất khẩu 21 container hàng mành tre đan với Công ty Ươm giống cây trồng lâm nghiệp Pháp tạo thêm việc làm cho hội viên và lao động tại các làng nghề.
Ông Lê Văn Lộc phấn khởi: “25 năm thành lập, hoạt động và phát triển, hội đã góp phần làm chuyển biến nhận thức cho người mù, họ cũng nhận được sự quan tâm chăm sóc, giúp đỡ của các cấp chính quyền, đoàn thể và xã hội. Kết quả lớn nhất là giúp người mù xóa được mặc cảm tự ti, vươn lên phát triển kinh tế, nhờ thế nên đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, nâng lên”.
Bài, ảnh: Phước Ly