Mới đây, trong cuộc gặp với 9 thầy, cô giáo khiến tôi đồng cảm với những bức xúc của họ. Thầy, cô hẹn ở một điểm khá xa thành phố, họ lo ngại sự trù dập của lãnh đạo nhà trường. Điều này cho thấy thực hiện quy chế dân chủ ở trường này có vấn đề. Nhiều thầy cô giáo còn trực tiếp phản ánh những việc làm tùy tiện và tùy hứng của hiệu trưởng này không phải là lần đầu. Có nhiều chuyện quá kỳ quặc nhưng không thể góp ý được bởi sự chuyên quyền, độc đoán. Các cuộc lấy ý kiến, các phiếu thăm dò đều được điền tên trước, có chữ ký hẳn hoi bởi vậy giáo viên nói đùa: Ở trường mình làm việc theo nguyên tắc dân chủ có ký tên!
 
Trở lại với vấn đề ngộ thu, lạm thu, số tiền thu gần 1 tỉ đồng trong học kỳ một năm học 2013-2014 không những BGH nhận trên 100.000.000 đồng từ tiền quản lí mà còn nhận nhiều khoản rất “kì quặc” như: Lãnh tiền từ các cuộc họp đột xuất; họp liên tịch; đánh, cắt phách...; Chưa kể số tiền thu gần 1 tỉ đồng vẫn chưa đủ, số tiền còn lại chưa được thống kê đang được giữ ở thủ quỹ, giáo viên chủ nhiệm và các em học sinh chưa nộp. Không rõ Ban Giám hiệu sẽ chi như thế nào???
 
Đối với năm học 2012-2013: các tiết tự chọn (3,5 tiết/tuần) không được thể hiện ở sổ đầu bài, không có phân phối chương trình dạy tự chọn. Thay vào đó hiệu trưởng yêu cầu học sinh lên phòng máy (do giáo viên tin học quản lí) để đánh trắc nghiệm đề kiểm tra các môn trắc nghiệm. Số tiền chi cho giáo viên năm học này rất ít, do không công khai nên giáo viên tính nhẩm chỉ đạt gần 30%. Đề nghị đoàn thanh tra Sở kiểm tra lại đơn xin dạy thêm của trường ở phần dự toán thu, chi bởi trong đơn xin dạy thêm của Trường, không thể dự toán thu quá cao, chi cho giáo viên quá thấp như vậy được???
 
Còn quá nhiều điều trông thấy mà khá nhiều giáo viên bức xúc kể cho chúng tôi nghe như: Giáo viên không được chấm trắc nghiệm bài kiểm tra học sinh nhưng cán bộ hành chính và nhiều nhân viên khác lại được chấm trắc nghiệm, được tính tiền. Các khoản thu của học sinh liên quan đến việc dạy thêm đều được đưa vào tính thi đua. Bắt các lớp phải nạp tiền cho cá ăn; tiền cơm hộp đi trại, tiền mua hoa và nhiều khoản tiền khác thu cao hơn danh mục của Sở. Lạ thay, Tổ Toán có hai tổ phó, một tổ phó chuyên môn và một tổ phó tư tưởng; thuê chuyên gia ra đề kiểm tra nhưng đề lại sai, có môn đề kiểm tra và đề học ở lớp chuyên đề giống hệt nhau, nhiều vấn đề không minh mạch trong khâu ra đề có liên quan đến việc dạy chuyên đề; quản lí tài chính dạy thêm, học thêm và các khoản thu chi khác có đúng quy định không?... Nhiều ý kiến trên facebook về trường này thật đáng để tham khảo, lưu tâm.
 
Vấn đề đặt ra là: Đoàn thanh tra Sở đang thanh tra các vấn đề này. Vậy nhưng trong học kỳ 2, Ban Giám hiệu Trường vẫn tổ chức dạy thêm theo quy trình cũ (lấy ý kiến của phụ huynh thông qua việc đánh dấu X vào ô trống. Và vẫn bố trí học ở NHÀ TRÒN), trong lúc đó đối tượng học thêm là học sinh vẫn không được tôn trọng. Thông tư 17-2012-TT-BGDĐT, chương II, điều 5 khoản 1 quy định rõ: “Học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường;...”. Thiết nghĩ, học thêm, dạy thêm là nhu cầu của giáo viên và học sinh tuy nhiên học sinh không có nhu cầu học thêm tại trường, không tự nguyện viết đơn thì nhà trường không nên ép buộc. Cần phải có sự đồng thuận trong cách làm. Cần công khai kế hoạch trên trang web của trường (chúng tôi truy cập rất nhiều lần nhưng đều không thấy nội dung, kế hoạch của trường) để dân biết, dân hiểu. Đã sai rồi, ngay từ bây giờ, việc cần làm ngay của lãnh đạo Trường là nên lắng nghe những ý kiến đóng góp thiện chí của dân mà vai trò của giáo viên và học sinh là quan trọng nhất (phải tổ chức trưng cầu ý kiến không kí tên) để đừng “cố” sai nữa, cần phải có những hoạt động thân thiện để tạo ra tác động thân thiện. Đề nghị Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cần phải có những chỉ đạo kịp thời để ngôi trường mang tên một danh nhân nhanh chóng thực hiện hoàn chỉnh các kế hoạch năm học và những chương trình mục tiêu giáo dục.
Chiến Hữu