Tác phẩm “Hạnh phúc” - Ngọc Uyển
Lần đầu tiên, Huế có một triển lãm tranh của các nữ họa sĩ đa phần xuất thân từ cái nôi mỹ thuật Huế. 36 tác phẩm hội tụ trong không gian trưng bày của Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng (từ ngày 18 đến 25/10) đã mang đến cho công chúng một không gian bình yên như chủ đề “Thảo mộc” với tràn ngập sắc màu của cỏ cây, hoa lá như sự tìm về với thiên nhiên mộc mạc.
26 nữ họa sĩ đến từ TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Đà Nẵng và Huế, trong đó nhiều người xuất thân từ Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế với những tên tuổi: Nguyễn Thị Hải Hòa, Tô Trần Bích Thúy, Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai, Nguyễn Thị Huệ, Đặng Thị Thu An, Thường Ba, Kim Quỳ, Tuyết Hiền… Thuộc nhiều thế hệ khác nhau nhưng tranh của họ dường như có mối liên hệ về một mạch nguồn chung: cùng định hình xu hướng nghệ thuật từ đất Huế như nhận xét của họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế.
Tác phẩm “Bình yên” Hà Hoàng Ngâu
Với nhiều chất liệu phong phú, như: sơn dầu, acrylic, sơn mài, đồ họa, trúc chỉ, lụa, tổng hợp, giấy, in kẽm… mỗi bức tranh thể hiện một loài hoa với dáng vẻ khác nhau. Nếu trong bộ ba tác phẩm “Khai hoa”, họa sĩ Ngô Đình Bảo Vi thể hiện vẻ đẹp tinh khiết mà kiêu sa của hoa sen bằng Trúc chỉ, thì “Khóm hoa” hay “Ngõ hoa” của họa sĩ Kim Quỳ là những bông hoa nhỏ xinh khoe sắc dịu dàng bên phố. Tự nhận mình là người yêu hoa, họa sĩ Kim Quỳ luôn khai thác hình ảnh các loài hoa trong tác phẩm hội họa. Với cô, hoa có tâm hồn và giống như con người, hoa cũng có tuổi.
Trong tác phẩm “Hoa nắng”, họa sĩ Đặng Thị Thu An khắc họa sắc màu rực rỡ của hoa đăng tiêu bằng bút pháp tả thực. Sử dụng chất liệu sơn dầu, Thu An thể hiện sắc vàng cam ấm áp với những chuỗi hoa tuyệt đẹp. Yêu loài hoa này khi hàng ngày ngắm nó ở đầu ngõ, Thu An đã hòa sắc ấn tượng, tỉ mẩn vẻ đẹp của hoa đăng tiêu nhưng lại không mang tính sao chép.
Tác phẩm “Ngõ hoa” - Hồ Thị Kim Quỳ
Ở “Hoa của đất”, họa sĩ Trầm Thị Trạch Oanh lại khiêm nhường thể hiện bằng sắc màu đen trắng của kỹ thuật khắc gỗ để bày tỏ vẻ đẹp của tạo hóa, ẩn mình và lặng lẽ. Cô chia sẻ: “Đó là một trong vô vàn điều tôi chiêm nghiệm khi lặng nhìn cuộc sống. Đằng sau cuộc sống muôn màu, bức tranh là cái nhìn lặng thầm, giản dị về cái đẹp của tạo hóa”.
“Thảo mộc” còn giới thiệu đến người xem vẻ đẹp duyên dáng, dịu dàng của người phụ nữ. Đó là “Nàng sen” của Lê Thị Tiềm, “Tuổi mộng mơ” của Huỳnh Thị Tường Vân, “Em và hoa” của Mai Thị Kim Liên hay “Tiếng sông Hương” của Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai...
Nhiều người đã dừng bước rất lâu trước hai bức tranh xé giấy dán của họa sĩ Ngọc Uyển. Thoạt nhìn, không ai nghĩ rằng những sắc màu nếu không nhìn kỹ vào những mép giấy nhỏ li ti. Từ những mẩu giấy vụn ở các tạp chí, họa sĩ Ngọc Uyển gom góp sáng tạo thành bức tranh có chủ đề, ý nghĩa. Nếu “Tĩnh” là tác phẩm sáng tạo về cây đước ở Cà Mau với những cung bậc tình cảm yêu thương, tỏ tình, hờn giận… giống như con người thì “Hạnh phúc” lại là những gương mặt hạnh phúc, vui tươi. “Khác với tranh sơn dầu, họa sĩ tranh xé giấy phải nhìn thấy giấy trước rồi mới hình thành ý tưởng. Nhìn đơn giản nhưng rất khó chuyển tải màu sắc và ý nghĩa của bức tranh. Vì thế, tranh xé giấy là một tác phẩm duy nhất, không thể sao chép, kể cả tác giả cũng không làm được bức thứ hai giống hệt”. Ngọc Uyển chia sẻ.
Mỗi tác giả góp mặt vào phòng tranh bằng một sắc thái, dấu ấn riêng nhưng tất thảy đều là những cung bậc của nhẹ nhàng, sâu lắng mà tươm tất.
Bài, ảnh: TRANG HIỀN