Một đề án tổ chức Festival bốn mùa cho Huế đang được soạn thảo và thu hút sự quan tâm của dư luận. Tôi yêu thích Festival Huế và nghĩ, đây là một ngoặt trong sự phát triển của lễ hội văn hóa - du lịch đậm đà chất Huế này. Từ festival chỉ vào năm chẵn, Huế có thêm festival năm lẻ với tên gọi Festival nghề truyền thống, giờ đây đang tiến tới có “Festival bốn mùa” trong năm: Xuân - hạ - thu - đông.

Trong một bài viết đăng trên trên Tạp chí Sông Hương vào năm 2006, nhà nghiên cứu Bửu Nam so sánh festival với con lật đật “Ma- rutsx - ca” của người Nga. Nghĩa là, trong một con lớn chứa đựng con vừa, con vừa chứa đựng các con nhỏ hơn. Một thành phố festival sẽ có festival quy mô lớn như festival các năm chẵn, qui mô vừa ở các năm lẻ, qui mô nhỏ hơn ở các mùa trong năm, qui mô nhỏ hơn nữa ở các tháng, các tuần... Đó là kiểu một số thành phố ở Pháp và ở Tây Ban Nha và cũng là cách mà Huế phải hướng đến.

Tôi thuộc loại “ghiền” và may mắn là từ khi Huế có festival đến giờ, chưa hề bỏ sót bất kỳ một lễ hội nào. Tâm trạng của dư luận về festival thật khác nhau. Nó xen lẫn giữa háo hức chờ đợi với những nỗi lo, sợ mưa bão bất chợt kéo về, lo lắng lễ tiệc bày ra liệu có vừa lòng người dự, rồi nghĩ ngợi chuyện tâm thế sao đây của kẻ chủ nhân, sợ lặp lại và cũng sợ lời trách của ai đó sao cứ mỗi kỳ một kiểu, còn nữa là chuyện lời - lỗ... Đáng nói và cũng có thể có nhiều người chưa nhận rõ là, festival năm chẵn quá phong phú, đa dạng đến mức bội thực. Ở một khía cạnh nhất định là sự lãng phí nhưng cũng mang lại dấu hiệu rất tích cực, cho thấy tiềm năng festival của Huế còn rất lớn.

Cách nay 4 năm, tại cuộc tọa đàm nhân 15 năm thành lập Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, nhóm tác giả do ông Nguyễn Hữu Thông phụ trách công bố ý tưởng Festival bốn mùa cho Huế, dựa trên văn hóa tâm linh, văn hóa đức tin, vốn là thế mạnh của Cố đô. Nếu Festival Huế tổ chức hai năm một lần thì ý tưởng mới này rải đều hoạt động trong năm. Trên nền của tất cả hoạt động văn hóa tâm linh ấy, festival được tổ chức theo “bốn trục” của bốn mùa. Theo đó,“trục xuân” là nơi dồn tụ những phong tục, lễ hội đẹp và hay; “trục hạ” lấy mùa Phật đản làm chính;“trục thu” chọn lễ hội điện Hòn Chén và mùa Vu lan báo hiếu làm tâm điểm; còn “trục đông” gồm những trình diễn thính phòng, diễn xướng trong chùa, nhà thờ hay hội diễn thánh ca quốc tế mùa giáng sinh trong quãng ngày mưa rét...

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết Festival Huế 2018 tổ chức ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện có gợi ý, để tránh tình trạng “no dồn, đói góp”, tỉnh Thừa Thiên Huế không nên tập trung toàn lực cho các kỳ festival hai năm một lần. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Các hoạt động dù làm gì cũng phải gắn với du lịch vì nếu không sẽ không có hiệu quả”. Theo đó, thay vì dồn hết cho kỳ Festival Huế hai năm một lần, tỉnh nên phân bổ rải đều các sự kiện trong năm, thậm chí là theo từng tháng để vừa thêm trải nghiệm cho du khách, nâng cao chất lượng điểm đến. Khó có thể tổ chức Festival Huế theo từng tháng, thế nhưng theo mùa là điều có thể và trong ý nghĩa đó, ý tưởng của ông Thông và nhóm cộng sự là một gợi ý hay.

Thế mạnh của Huế là văn hóa - du lịch. Làm festival là cách để Huế phô bày, khai thác và làm giàu từ tiềm năng và thế mạnh đó. Và với festival, Huế đã vượt lên và khẳng định được thương hiệu. Rất tiếc là chúng ta đã không thật nhanh nhẹn, thế nhưng “chậm mà chắc” cũng không phải là điều đáng trách.

ĐAN DUY