Cần công tâm, khách quan

Nghị quyết Trung ương 6 (NQTW6) khóa XII nêu rõ: “Kiên quyết hợp nhất, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập để thu gọn đầu mối, giảm biên chế”. Sắp xếp bộ máy diễn ra đồng thời với bố trí cán bộ vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Bổ nhiệm là vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến hoạt động của từng cơ quan, đơn vị khi được sắp xếp lại. Bên cạnh những khó khăn phải xử lý, thì vấn đề bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ lãnh đạo cũng phức tạp, nhạy cảm không kém. Nếu làm không khéo sẽ ảnh hưởng đến sự đoàn kết nội bộ, khiến bộ máy vận hành kém hiệu quả.

Sáp nhập đơn vị công vụ và sắp xếp cán bộ theo tinh thần NQTW6 sẽ giảm đầu mối các cơ quan quản lý với những đơn vị có chức năng tương đồng, giảm cơ quan trung gian. Như vậy, từ 2 hoặc 3 đơn vị nhập làm một, thì đơn vị mới tăng từ 2 đến 3 lần số nhân viên và cũng tỉ lệ như vậy với số lãnh đạo. Khi nhập vào, số công chức theo chức năng có thể làm việc được ngay, nhưng với lãnh đạo thì sắp xếp, phân công sẽ khó hơn.

Lâu nay, mỗi cấp thông thường có một trưởng và từ 2 đến 3 cấp phó. Với cấp phó nếu giữ nguyên chức vụ thì có thể chưa biến động nhiều về tư tưởng, nhưng “xếp ghế” cho cấp trưởng lại khác. Từ vị trí ngang chức, ngang quyền nhưng nhập lại sẽ chỉ còn một cấp trưởng, những người còn lại sẽ phải làm cấp phó. Ảnh hưởng tâm tư, xáo trộn về tâm lý là lẽ tất nhiên xét theo tâm lý chung của con người. Nếu nơi mới cấp trưởng có năng lực, trình độ vượt trội, quy tụ được anh em thì mức độ kèn cựa, đố kỵ ít hơn, nhưng nếu thủ trưởng mới không có được những phẩm chất đó thì mất đoàn kết, thiếu hợp tác là khó tránh khỏi. Cho nên, cấp trên khi quyết định phải hết sức vô tư, không thiên vị, cục bộ, phe cánh trong bổ nhiệm thì mới giải quyết được vấn đề.

Thi tuyển lãnh đạo để bổ nhiệm đang được xem là cách làm hay, nhưng khi sáp nhập thì đòi hỏi phải có lãnh đạo ngay (nhất là cấp trưởng), không thể chờ thời gian thi tuyển. Những cơ quan giải thể cấp trung gian như cấp Tổng cục ở TW, một số chi cục, ban quản lý dự án ở địa phương, sẽ có nhiều lãnh đạo cấp này phải bố trí cấp thấp hơn, thậm chí không thể sắp xếp được. Nhiều cơ quan nằm trong tình trạng khi sáp nhập số cấp phó nhiều gấp 2 đến 3 lần quy định cho phép. Đến năm 2021 phải giải quyết tình trạng này trong khi thời gian đến đó chưa đầy 3 năm. Nhiều lãnh đạo còn rất trẻ, không thể giải quyết chính sách nghỉ hưu sớm, không thể cho nghỉ nếu không xin nhận chính sách hỗ trợ. Đây là điểm khó cho giải quyết số lãnh đạo dư dôi, lại càng không thể cứng nhắc “vắt chanh bỏ vỏ”.

Những lưu tâm

Cấp huyện, cấp xã là đơn vị phải sáp nhập nhiều nhất khi có đến 559/713 huyện, 6191/11.162 xã trong cả nước chưa đạt tiêu chí về diện tích, quy mô dân số. Nhìn trên bình diện quốc gia thì đây là lần sáp nhập nhiều nhất. Hơn một nửa trong số đó bị ảnh hưởng đến chức vụ.

Vấn đề "chạy" để “giữ ghế” là hiện tượng chưa thể xóa bỏ được trong thực tế hiện nay. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cảnh báo trong hội nghị góp ý với Bộ Nội vụ là: Khi mới thí điểm, một vài địa phương trong tỉnh đã có không ít điện thoại gửi gắm người này người khác ở cả 2 cấp. Không loại trừ những nơi dự kiến nhập lại sẽ cạnh tranh nhau bằng cách… chạy. Cấp quyết định trực tiếp nếu lồng chủ quan khi quyết định dễ phát sinh mâu thuẫn, gây thêm khó khăn cho công tác tổ chức.

Một vấn đề cần chú ý đó là có sự khác nhau giữa bổ nhiệm trong Đảng và trong chính quyền. Bí thư cấp ủy có thể được cấp trên quyết định theo hình thức chỉ định (theo Điều lệ Đảng), nhưng lãnh đạo chính quyền phải được Hội đồng Nhân dân (HĐND) cùng cấp bầu. Những địa phương có 2 hoặc 3 HĐND thì tổ chức bầu như thế nào? Nếu tất cả cùng bầu bộ máy một đơn vị mới thì sai luật, trong khi Luật Bầu cử HĐND chưa có quy định và chưa có tiền lệ. Việc này phải được TW thống nhất trong toàn quốc hoặc phải sửa luật trước khi quyết định sáp nhập. Ngay cả khi đưa nhân sự ra HĐND bầu cũng dễ phát sinh tâm lý cục bộ trong cán bộ, đại biểu HĐND ở mỗi địa phương khác nhau, người dự kiến chức vụ chưa chắc trúng cử nếu chỉ đạo không chặt chẽ.

Tinh gọn bộ máy là chủ trương lớn của Đảng, đồng thời là một đợt sắp xếp công tác tổ chức đối với đội ngũ công chức, trong đó có khâu bổ nhiệm lãnh đạo mới. Cấp có thẩm quyền cần nắm một số khó khăn như đã nêu, hiểu rõ đặc điểm tình hình các cơ quan, địa phương để chủ động trong bố trí cán bộ, bổ nhiệm lãnh đạo. Cần thực hiện đồng thời với chính sách tiền lương phù hợp với cống hiến của cán bộ, lãnh đạo theo tinh thần NQTW7.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH