Nguyên nhân thấy rõ là đường không được mở rộng nhiều nhưng phương tiện lưu thông thì ngày càng nhiều hơn. Riêng lượng xe ô tô đăng ký mới đã tăng đột biến. Để mở rộng một con đường hoặc kết nối giao thông cần rất nhiều tiền. Song mua một chiếc xe ô tô, một chiếc xe máy thì dễ hơn nhiều. Có mấy lý do mà lượng ô tô tăng nhanh do một tầng lớp có thu nhập khá (có thể gọi là tầng lớp trung lưu) tăng lên nhiều hơn trước. Tầng lớp này có mức chi tiêu cao, trong đó có chi tiêu cho việc mua phương tiện đi lại. Bên cạnh đó, việc sở hữu một phương tiện ô tô là một mong muốn của nhiều người. Đây là một nhu cầu mà ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ khi kinh tế phát triển. Ngay những người có thu nhập thấp hơn, việc sở hữu một chiếc ô tô không phải là quá khó. Một khi tầng lớp có thu nhập khá và cao ngày càng tăng, họ có nhu cầu đổi xe cao hơn, điều này cũng đồng nghĩa với việc ô tô cũ có giá thấp sẽ được đưa ra thị trường nhiều và kéo theo giá sẽ hạ xuống.

Như vậy, chúng ta có thể nhận định, tốc độ phát triển các phương tiện giao thông cá nhân sẽ lớn hơn tốc độ mở rộng hạ tầng giao thông. Vì thế, tình trạng kẹt xe có thể dự báo sẽ ngày càng trầm trọng hơn trong thời gian tới. Hơn nữa, các loại hình dịch vụ ở Huế ngày càng phát triển mạnh, song cũng chỉ tập trung ở “vùng lõi”, tức là vùng trung tâm, sức lan tỏa ra các vùng lân cận còn chậm, vì vậy, tình trạng kẹt xe ở vùng trung tâm ngày càng lớn hơn.

Nhận biết được điều này sớm để mà có giải pháp phù hợp hạn chế tình trạng kẹt xe ngày từ khi nó chưa nghiêm trọng.

Thứ nhất là phải nghĩ đến việc phát triển giao thông công cộng. Các tuyến xe buýt kết nối tuyến xa thì chúng ta đã có từ lâu (tuy chất lượng dịch vụ còn thấp) nhưng các tuyến phục vụ cho các khu vực trung tâm thành phố thì chưa có. Tôi thấy dịch vụ công tuy chưa phát triển mạnh nhưng khu vực tư nhân họ rất nhanh nhạy với nhu cầu thị trường. Ví dụ như dịch vụ đưa đón học sinh ở một số trường bằng ô tô đã có từ lâu và ngày càng phát triển. Một khi phương tiện “dùng chung” này phát triển mạnh, thuận tiện thì có thể hạn chế được phương tiện giao thông cá nhân. Chính quyền nên quan tâm vấn đề phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn.

Thứ hai, cần tính đến các giải pháp kéo giãn đô thị ra các vùng ven. Chúng ta đã nói nhiều đến các đô thị vệ tinh quanh Huế và kết nối bằng một hệ thống giao thông thuận tiện, nhưng xem ra việc này diễn ra rất chậm. Cùng với hạ tầng chưa hoàn thiện, các thiết chế cung cấp dịch vụ thiết yếu cho vùng ven chưa được hình thành, cộng với giá đất được cho là bị “đẩy lên” quá cao so với thu nhập và mức sống… đã làm cho “sức lan tỏa” của đô thị bị hạn chế. Đây là những bài toán cần có lời giải. Nếu không, "vùng lõi” của đô thị Huế chẳng những bị kẹt xe mà tình trạng ô nhiễm môi trường cũng có thể ngày càng nghiêm trọng hơn.

Đô thị Huế được đầu tư xây dựng, chỉnh trang ngày càng đẹp. Mục tiêu của đô thị Huế hướng đến là xây dựng một đô thị xanh, đô thị cảnh quan… Vì vậy, nếu nạn kẹt xe, ô nhiễm mỗi trường, nề nếp đô thị không được đảm bảo… đều là những lực cản cho mục tiêu nói trên. Chúng ta nhận biết sớm để có giải pháp hạn chế là điều cần thiết.

CÁT SƠN