TS. Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế

Như thế, liệu hoạt động KNĐMST tại ĐHH có bị lỡ nhịp không, thưa ông?

Hoạt động hỗ trợ KNĐMST tại ĐHH triển khai chậm hơn so với hai đầu đất nước, cụ thể là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhưng chúng tôi đã có những bước đi đúng hướng và vững chắc. Ngay từ thời điểm bắt đầu, chúng tôi đã tiếp cận và nhận được sự đồng hành từ những chuyên gia hàng đầu về KNĐMST tại Việt Nam, như: bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm đề án Việt Nam Silicon Valley (VSV); ông Đàm Quang Thắng, chuyên gia lĩnh vực công nghệ nông nghiệp; ông Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; ông Trương Thanh Hùng, đồng sáng lập FiNNO Venture; ông Nguyễn Tiến Trung, chuyên gia hỗ trợ cộng đồng KNĐMST và nhiều chuyên gia khác.

Tới thời điểm hiện tại, tức là sau khoảng 10 tháng bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động, ĐHH bước đầu hình thành các thành phần cơ bản của hệ sinh thái KNĐMST. Một trong những nền móng quan trọng là không gian làm việc chung (Co-working space) - cơ sở vật chất trung tâm của hệ sinh thái KNĐMST ĐHH, cung cấp không gian làm việc đáp ứng cùng lúc cho khoảng 200 người, chủ yếu sẽ là sinh viên, cán bộ của ĐHH. Đây cũng là nơi đặt văn phòng đại diện của một số các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm và các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Từ không gian làm việc chung, chúng tôi sẽ tổ chức các hoạt động đào tạo, huấn luyện, các hoạt động ươm tạo cho các nhóm, dự án khởi nghiệp.

Lớp đào tạo cán bộ ĐH Huế về KNĐMST

Bằng cách nào, ĐHH thu hút chuyên gia, cán bộ nghiên cứu cho không gian làm việc chung?

Trong các chương trình ươm tạo, chúng tôi cung cấp các nguồn lực về không gian làm việc, chuyên gia, các dịch vụ hỗ trợ cho các dự án và không thu phí. Các nhóm phát triển dự án sẽ được làm việc trong không gian hiện đại, đầy đủ tiện nghi, được gặp các chuyên gia huấn luyện, cố vấn cao cấp, được trung tâm hỗ trợ các dịch vụ tư vấn sở hữu trí tuệ, nhận dạng thương hiệu, đăng ký kinh doanh… Đổi lại điều đó, các nhóm phát triển dự án sẽ chia sẻ 5 - 10% cổ phần công ty cho ĐHH khi các dự án đó kêu gọi được đầu tư.

Đối với các tổ chức tăng tốc khởi nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư “thiên thần” - nơi có những chuyên gia, chúng tôi sẽ cung cấp nguồn đầu vào cho họ là những dự án tốt nghiệp các chương trình ươm tạo của chúng tôi. Họ sẽ chia sẻ nguồn lực chuyên gia với ĐHH thông qua các chương trình hợp tác đã ký kết.

ĐHH dựa vào tiêu chí nào để lựa chọn những dự án để đầu tư, ươm tạo hay gọi vốn?

Cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia, chúng tôi đang xây dựng chương trình ươm tạo cho vườn ươm của ĐHH. Hoạt động ươm tạo trong tương lai sẽ là hoạt động cốt lõi của hệ sinh thái. ĐHH cũng đang nghiên cứu các thủ tục pháp lý, xây dựng kế hoạch để hình thành quỹ đầu tư khởi nghiệp ĐHH.

Các dự án muốn được ươm tạo phải đáp ứng được ít nhất 3 điều kiện tiên quyết, đó là tính sáng tạo, bao gồm tính mới (có thể là phát minh mới hoặc phát triển dựa trên một ý tưởng đã có), có giá trị (tích cực) và sự bền vững (người khác khó bắt chước ngay được). Thứ hai là tạo ra giá trị cho xã hội, xử lý được vấn đề/nỗi đau cho một nhóm khách hàng đủ lớn và thứ ba là có khả năng tăng trưởng nhanh. Các dự án startup có thể mất một năm hoặc nhiều năm để tìm kiếm mô hình kinh doanh, tuy nhiên sau khi đã hoàn thiện được mô hình kinh doanh phải đạt được tốc độ tăng trưởng rất nhanh, mở rộng thị trường và doanh thu tăng gấp nhiều lần sau mỗi năm cho tới khi tiệm cận ngưỡng quy mô.

Việc đánh giá, thẩm định và hỗ trợ các ý tưởng, dự án trên được triển khai như thế nào, thưa ông?

Có nhiều cách thức để tuyển chọn các dự án, ý tưởng tham gia chương trình ươm tạo như: Thông qua các cuộc thi và sự kiện “Demo Day” (ngày hội để starup có thể kêu gọi đầu tư). ĐHH đang có 2 cuộc thi đó là: Bussiness Innovation Hackathon và Cuộc thi ý tưởng KNĐMST. Sự kiện “Demo Day” sẽ được ĐHH tổ chức trong năm 2019. Với cả 2 loại hình trên, hội đồng giám khảo sẽ đưa ra quyết định lựa chọn dự án để ươm tạo. Hội đồng giám khảo gồm các chuyên gia về KNĐMST, các nhà đầu tư, đại diện các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, lãnh đạo ĐHH, các sở… Tại các cuộc thi trong năm 2018, chúng tôi đã mời một số chuyên gia có uy tín.

Chúng tôi cũng liên kết với các chuyên gia hàng đầu về đào tạo, huấn luyện, tư vấn KNĐMST. Các chuyên gia này cùng với đội ngũ cán bộ của Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo ĐHH và các  cộng tác viên là cán bộ, giảng viên từ các trường thành viên của ĐHH là những người hỗ trợ phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

ĐHH có cảm thấy áp lực so với những sân chơi khởi nghiệp lớn?

Lãnh đạo ĐHH rất quyết tâm trong triển khai, tổ chức các hoạt động về KNĐMST. ĐHH chủ động tìm kiếm và kết nối các nguồn lực từ Chính phủ, các bộ, các tổ chức trong nước và quốc tế; phối hợp với các sở, ban ngành của địa phương để triển khai các hoạt động về KNĐMST cho cán bộ và sinh viên. Chúng tôi cũng chủ động xây dựng kế hoạch về KNĐMST cho từng giai đoạn, từng năm học và chi tiết các hoat động cho từng tháng.

Cũng phải thừa nhận, ĐHH đang đối mặt với nhiều khó khăn, đó là môi trường KNĐMST còn hạn chế và đa phần sinh viên chưa được tiếp cận các kiến thức liên quan đến KNĐMST. Cùng với đó là số lượng các nhóm startup chưa nhiều và chất lượng chưa cao. Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo ĐHH đã tổ chức nhiều sự kiện về khởi nghiệp ĐMST ý nghĩa. Tuy nhiên, số lượng sinh viên biết đến các sự kiện này và chủ động tham gia chưa nhiều.

Điều đó có phải do sinh viên chưa mặn mà với phong trào KNĐMST?

Mục tiêu của chúng tôi không phải là biến tất cả gần 50.000 sinh viên chính quy của ĐHH thành các doanh nhân khởi nghiệp. Bởi vì không phải ai cũng phù hợp và có thể làm startup. Tựa như gieo hạt, chúng tôi phải lựa chọn những hạt giống tốt nhất để gieo và ươm mầm thành những cây khỏe mạnh và phát triển tốt.

Rào cản lớn nhất hiện nay là chúng tôi chưa đủ nguồn lực để truyền cảm hứng đến cho tất cả các em. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ phần nào được giải quyết khi KNĐMST sẽ là một nội dung giảng dạy trong chương trình đào tạo. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận là còn khá nhiều sinh viên chưa thật sự quan tâm đến khởi nghiệp hoặc nếu có thì vẫn còn tình trạng nửa vời.

ĐHH sẽ làm gì để cải thiện tình trạng đó, thưa ông?

ĐHH không tiếp cận khởi nghiệp theo hướng phong trào. Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra các hạt nhân là doanh nhân khởi nghiệp, những người có khả năng biến từ không thành có và phát triển nó theo hướng thành công nhất có thể.

Xin cảm ơn ông!

HỮU PHÚC (thực hiện)