Chiều 24 Tết, khi đang dự buổi tiệc tất niên do cơ quan tổ chức, ông T (50 tuổi) nhận điện thoại của một đồng nghiệp, mời về nhà dự tiệc tất niên cùng gia đình. Nể bạn, ông T rời cơ quan, về nhà bạn tiếp tục chung vui. Khoảng 22 giờ, ông T trở về nhà mình. Thấy ông T đã tham gia 2 cuộc vui có men bia, nên người bạn cẩn thận chạy xe máy theo sau “hộ tống”. Khi gần đến ngõ nhà ông T, người bạn yên tâm quay xe để về nhà mình thì bỗng nhiên nghe tiếng cãi cọ to tiếng giữa đồng nghiệp của mình và ông Th, nguyên nhân do ông T vô tình va chạm nhẹ vào đuôi xe ông Th. Người bạn vội vã quay lại để can ngăn thì bị ông Th đánh sưng mắt. Bực tức vì bị đánh, lại sẵn có hơi men trong người, bạn ông T nổi xung cởi chiếc mũ bảo hiểm đang đội trên đầu, “nện” lại ông Th. Thấy mình chỉ có một mà “đối phương” hai người, ông Th bèn gọi đứa con trai đang bán hoa cảnh thuê gần đó đến “bổ sung lực lượng”. Cuộc xâu ẩu trở nên bi thảm khi ông T bị đánh vào đầu, ngã xuống đất bất tỉnh. Lúc này, người dân quanh ngõ mới “la làng”, vợ ông T hốt hoảng chạy trong nhà ra, quỵ xuống khi chứng kiến chồng mình ngất xỉu, mê man. Ông T được gia đình tức tốc đưa đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. Cha con ông Th bị bắt.

Minh họa của Hương Trà

Chồng, cha bị nạn, không khí “tết nhất” của gia đình ông T trở nên u ám. Vợ con ông T thay nhau túc trực ở bệnh viện, “nín thở” lo lắng vì từ lúc nhập viện cấp cứu, ông T hôn mê chưa lần nào tỉnh lại. Cảnh nhà ông Th cũng không mấy khá hơn. Em trai ruột, người sống cùng nhà với ông Th cho biết, ngay khi xảy ra sự việc, cha con ông Th bị bắt, nhưng sau đó gia đình xin bảo lãnh nên được tạm tha về. Trong lúc ông T đang nằm viện, cả gia đình ông Th cũng tiêu tan cái tết, lo lắng thấp thỏm. Ông Th sợ sự xuất hiện của mình khiến người nhà nạn nhân bức xúc nên không dám đến bệnh viện, nhưng vợ ông Th thì thường xuyên “chạy tới chạy lui” thăm hỏi, cũng “nín thở” lo lắng không kém gia đình nạn nhân. Cả hai gia đình cầu khấn “trời phật” phù hộ độ trì cho ông T hồi phục, tai qua nạn khỏi. Tuy nhiên, điều kỳ diệu đã không xuất hiện. Đến ngày mùng 5 tết, ông T tử vong. Khi gia đình nạn nhân đau khổ tang tóc thì gia đình hung thủ “bạc mặt” vì cha con ông Th bị bắt tạm giam. “Sau đó, công an cho cháu tôi về nhà. Vụ án đang trong quá trình điều tra, nên gia đình tôi cũng chỉ biết thấp thỏm chờ đợi. Đám tang anh T, chị dâu tôi cũng thường xuyên qua lại, giúp làm những việc lặt vặt, với mong muốn thay chồng (đã bị bắt) bày tỏ sự hối hận về lỗi lầm đã “vô tình” gây ra”. Chị ruột vợ ông T cũng thừa nhận điều này. “Ai làm sai người đó chịu về hành vi sai trái của mình trước pháp luật. Riêng tấm lòng người vợ, người mẹ đó, gia đình tôi ghi nhận. Chị ấy có làm gì nên tội đâu mà chúng tôi hắt hủi”.

Em trai của ông Th thì cứ “nuối tiếc”: “Chiều tối hôm đó, gia đình tôi cũng làm tiệc tất niên, trong người anh Th có hơi men, nên mới dễ xảy ra nóng giận, cãi cọ qua lại khi anh T đụng vào đuôi xe. Vả lại, dù sinh sống trong cùng phường, hai nhà lại không cách xa nhau là mấy, nhưng chúng tôi cũng không hề biết nhau. Nếu biết anh T là người trong xóm, hoặc trước đó có biết nhau, thì có lẽ không đời nào lại xảy ra cãi cọ, gây gổ, dẫn đến cơ sự nghiêm trọng như thế. Gia đình anh T xui xẻo, gia đình tôi cũng xui xẻo...”

Tết, mọi người đều vui vẻ, hạnh phúc. Vậy mà gia đình ông T mất một mạng người, còn gia đình ông Th có người thân đối mặt với tù tội. Điều bi thảm đó hoàn toàn không phải do “xui xẻo”, mà do những người “trong cuộc” không điều chỉnh được hành xử của mình, khi có men bia rượu, dẫn dến hành vi vi phạm pháp luật của hung thủ.

Phạm Thùy Chi