Ảnh minh hoạ. Nguồn: The Star

Đây là nhận định vừa được đưa ra trong một báo cáo mới do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Liên Hiệp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) công bố ngày hôm nay (25/10) tại Hội nghị Bộ trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về Phụ nữ tại thủ đô Hà Nội.

Báo cáo “Bình đẳng giới và các Mục tiêu Phát triển bền vững ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: Cơ sở và Con đường cho những thay đổi mang tính biến đổi tới năm 2030” là đánh giá toàn diện đầu tiên về tình trạng của phụ nữ và trẻ em gái ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo khuôn khổ các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).

Báo cáo nhấn mạnh những thách thức mà phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang phải đối mặt, đồng thời đưa ra giải pháp cải thiện tình hình nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).

Theo Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, đạt được bình đẳng giới vừa là một mục tiêu độc lập (Mục tiêu số 5), vừa là một ưu tiên trong 16 mục tiêu còn lại về xã hội, kinh tế và môi trường, chẳng hạn như chấm dứt đói nghèo, đảm bảo giáo dục cho tất cả mọi người.

Việc đánh giá toàn diện các dữ liệu sẵn có để theo dõi tiến độ về tình trạng của phụ nữ và trẻ em gái trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc đạt được bình đẳng giới và Chương trình nghị sự 2030

“Bình đẳng giới cần được thực hiện theo cách riêng của nó và là một chất xúc tác cho sự tiến bộ xuyên suốt các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Những phát hiện và khuyến nghị được đưa ra trong báo cáo tạo cơ hội để xóa bỏ bất bình đẳng giới thông qua sự thay đổi mang tính chuyển biến và sự hỗ trợ tiến bộ hướng tới phát triển bền vững trong mọi khía cạnh, như: kinh tế, xã hội và môi trường”, ông Bambang Susantono, Phó Chủ tịch ADB về Quản trị tri thức và Phát triển bền vững nhận định.

Trong khi đó, bà Anna-Karin Jatfors, Giám đốc UN Women khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho hay: “Dữ liệu và bằng chứng có thể giúp chúng ta hiểu sâu hơn về việc phân biệt đối xử giới và quan hệ quyền lực khiến phụ nữ (hoặc nam giới) không thể hưởng thụ các quyền và đặc quyền nhất định như thế nào. Vượt qua sự bất bình đẳng giới đã hằn sâu sẽ không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái, mà còn giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn, trao quyền cho tất cả mọi người để họ nhận ra tiềm năng đầy đủ của mình, có một cuộc sống hạnh phúc và được tôn trọng. Báo cáo này đưa ra bằng chứng vô giá để hỗ trợ nỗ lực đưa bình đẳng giới và phát triển bền vững trở thành sự thật cho tất cả mọi người”.

Ngoài ra, báo cáo cũng phát hiện việc thiếu dữ liệu về giới để theo dõi tiến độ ở các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, như việc thiếu dữ liệu về 41%, tương đương 36 trong số 85 chỉ số Phát triển bền vững về giới.  Báo cáo cũng nhấn mạnh tính khẩn cấp của việc cải thiện xây dựng và sử dụng các số liệu thống kê về giới nhằm thực hiện và giám sát các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) ở cấp quốc gia.

Được biết, báo cáo sử dụng dữ liệu sẵn có tại 57 quốc gia và vùng lãnh thổ, giúp thiết lập cơ sở để các Chính phủ giám sát và tập trung nỗ lực vào các cam kết bình đẳng giới mà họ đang tụt hậu nhất.

Nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và thúc đẩy sự tiến bộ hướng tới các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) trong khu vực, báo cáo chỉ ra 4 lĩnh vực chính sách mà các quốc gia cần tập trung. Đó là thúc đẩy quyền về sức khỏe sinh sản và tình dục; giảm thiểu và phân bố lại các công việc chăm sóc không được trả lương và việc nhà; chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; và trao quyền cho phụ nữ để đối phó với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. Bằng cách đầu tư vào các lĩnh vực này, các quốc gia trong khu vực sẽ không chỉ cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái, mà còn đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Cũng theo báo cáo nói trên, trong khi khu vực châu Á-Thái Bình Dương ghi nhận những tiến bộ trong một số lĩnh vực bình đẳng giới, sự bất bình đẳng đáng kể đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn hiện hữu. Chẳng hạn như, có đến 1 trong 2 phụ nữ phải trải qua bạo lực thể chất và/hoặc tình dục từ bạn tình thân mật trong 12 tháng qua. Phụ nữ và trẻ em gái cũng sử dụng nhiều thời gian hơn gấp 11 lần so với nam giới và trẻ em trai để làm những công việc chăm sóc không lương và việc nhà. Trong khi một số quốc gia trong khu vực có tỷ lệ "phụ nữ mất tích" cao nhất trên thế giới do phân biệt đối xử, ưa thích con trai, tiến bộ giảm tỷ lệ tử vong khi sinh cũng không đồng đều.

Về các cơ hội kinh tế và nghề nghiệp, phụ nữ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ít có sự tiếp cận hơn đối với các dịch vụ tài chính và công cụ sản xuất. Trong khi đó, các bé gái ít có cơ hội được học tập có bài bản trước bậc tiểu học, so với các bé trai. Đáng chú ý, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực duy nhất trên toàn thế giới có sự chênh lệch giới ngày càng tăng trong lực lượng lao động. Sự hiện diện của phụ nữ ít hơn trong các vị trí ra quyết định và lãnh đạo, với ít hơn 1 trong 5 nghị sĩ ở châu Á-Thái Bình Dương là phụ nữ.

Lê Thảo (Lược dịch từ ADB & Marketscreener)