Ngày 24/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thảo luận ở tổ về các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước hàng năm và giữa kỳ. Ảnh Trọng Đức - TTXVN

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, hôm nay 26/10, Quốc hội dành cả ngày thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch phát triển KT - XH năm 2019.

Cũng trong hôm nay, các Đại biểu Quốc hội thảo luận đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016 - 2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Ổn định kinh tế vĩ mô

Trước đó, trong phiên thảo luận chiều 24/10 và bên lề Quốc hội, đa số các đại biểu Quốc hội đều có chung nhận định: Về tình hình KT - XH năm 2018, mục tiêu tổng quát mà Quốc hội đề ra trong Nghị quyết cơ bản đạt được. Tình hình  KT-XH có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát được kiểm soát tốt. Đây là năm thứ 3 kiềm chế được lạm phát dưới 4%, các tổ chức tài chính quốc tế đều có đánh giá tốt về triển vọng và việc điều hành kinh tế của nước ta.

Đánh giá 3 năm thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, điều đáng mừng là quy mô nền kinh tế nước ta ngày càng mở rộng, tăng trưởng năm sau khá hơn năm trước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực, năng lực cạnh tranh tăng, lạm phát, bội chi, nợ công đều được kiểm soát trong ngưỡng cho phép.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, lần này các báo cáo đều có đánh giá về vai trò, sự đổi mới và hoạt động hiệu quả của Quốc hội trên cả 3 chức năng: ban hành chính sách pháp luật, giám sát tối cao, giám sát chuyên đề và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Từ đó phát hiện được những tồn tại cần khắc phục và những ưu điểm cần phát huy, đưa ra được các kiến nghị.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý năm 2018 còn có gần 1 quý nữa để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, nhưng những rủi ro về tác động của kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, giá dầu thế giới tăng cao, sẽ tác động tới đầu tư và xuất nhập khẩu của nước ta, vì vậy không thể chủ quan về kiểm soát lạm phát điều hành tỉ giá.

Nhìn nhận về bức tranh kinh tế cả nước, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng: Năm 2018 là năm rất đặc biệt và nhìn lại cả 3 năm (2016 - 2018), định hướng đến năm 2020 cho thấy kinh tế nước ta đã đạt được rất nhiều kết quả và cũng là năm thực hiện thành công mục tiêu kép.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng): "Năm 2018 nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều kết quả và cũng là năm thực hiện thành công mục tiêu kép". Ảnh Viết Tôn

“Chúng ta vẫn đảm bảo ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Nếu 4 tháng đầu năm 2018, kinh tế phát triển tốt, thì đến đầu quý 2, kinh tế thế giới có nhiều biến động, trong đó có ảnh hưởng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam. Lượng hàng hóa của ta sản xuất ra xuất khẩu có sự ảnh hưởng lớn”, ông Nguyễn Đức Kiên phân tích.

Ông Kiên cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế cần khắc phục, đó là chúng ta cần phân tích rõ một số chỉ tiêu trong báo cáo như thu ngân sách ở cả 3 khu vực không đạt dự toán, giải ngân đầu tư công chậm, năng suất lao động thấp hơn năm 2017, trong khi tăng trưởng GDP cao hơn… để từ đó có định hướng những tháng cuối năm cần làm gì. Kết quả tăng trưởng nhìn chung là tốt, đáng mừng, nhưng không được chủ quan, mà cần phân tích thêm về chất lượng tăng trưởng.

Cần có chính sách ưu tiên nguồn lực cho vùng miền núi, dân tộc thiểu số

Theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Kỳ họp Quốc hội lần này Chính phủ chuẩn bị báo cáo rất chặt chẽ, các Ủy ban của Quốc hội cũng chuẩn bị báo cáo tốt, có nhiều giá trị so với các kỳ họp trước.

“Qua báo cáo của Chính phủ cho thấy bức tranh nền KT - XH sáng lạn, đồng tiền Việt Nam được coi là ổn định, dự trữ ngoại tệ trên 60 tỷ USD cho thấy sự phát triển rõ ràng nhất của nền kinh tế”, ông Lưu Bình Nhưỡng khẳng định.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): "Nếu chúng ta triển khai 21 Chương trình mục tiêu Quốc gia không đạt yêu cầu sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước". Ảnh Viết Tôn

Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng khẳng định, các Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) và các mục tiêu khác rất khả quan, thể hiện qua việc giảm nhanh nợ xấu, góp phần tạo điều kiện cho vùng nông thôn phát triển. Nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả, đưa nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất. Công tác phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai quyết liệt. Hoạt động đối ngoại với các nước trong khu vực và trên thế giới mở rộng, đã góp phần giúp hình ảnh Việt Nam được bạn bè thế giới coi trọng…

Chỉ ra những mặt còn hạn chế, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhất mạnh: Nhiều hoạt động kinh tế tiếp tục phải điều chỉnh, chính sách quản lý đất đai, các CTMTQG mới đạt được kết quả bước đầu, những chưa rõ nét.

“Nếu chúng ta triển khai 21 CTMTQG không đạt yêu cầu sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước. Tham vọng của chúng ta là tạo ra đột phá, đồng thời xử lý dứt điểm những vấn đề tồn tại của những năm trước để lại. Thiên tai tàn phá gây hậu quả to lớnm thiệt hại nặng nề kể cả người và vật chất, hoa màuthiệt hại nặng nề kể cả người và vật chất, hoa màu, phải mất thời gian dài mới khắc phục được”, ông Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, về CTMTQG nông thôn mới cơ bản đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên qua báo cáo của Hội đồng Dân tộc cho thấy, nếu đánh giá từng vùng thì số liệu sẽ khác, do có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, nên Hội đồng Dân tộc đề nghị xem xét, phân tích, qua đó có chính sách ưu tiên nguồn lực cho vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và những vùng khó khăn.

Về chương trình giảm nghèo, bình quân cả nước giảm gần 1,6%/năm số hộ nghèo là vượt mục tiêu của Nghị quyết Quốc hội đề ra. Tình trạng tái nghèo còn diễn ra nhưng không nhiều và phổ biến như trước đây cho thấy tính bền vững của giảm nghèo được nâng lên. Tuy nhiên, giảm nghèo cũng chưa đồng đều, vì thế phải ưu tiên phân bổ nguồn lực cho những nơi khó khăn.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: "Tình trạng sai phạm, tham nhũng, lãng phí vẫn là vấn đề nhức nhối, nguy cơ cán bộ tham nhũng trầm trọng, làm sai báo cáo sai. Ô nhiễm môi trường chưa được xủ lý. Một số chính sách giảm nghèo, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi chậm được triển khai. Việc di cư tự do vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Nếu cứ để tình trạng như thế này, thì vùng dân tộc thiểu số, miền núi không phát triển được..." .

Theo Báo Tin tức