1. Đôi vợ chồng còn khá trẻ bước ra từ trụ sở TAND huyện Phú Vang, ai cũng buồn. Người chồng len lén nhìn vợ, nhưng người vợ không quay đầu lại. Hai người về hai ngả. Họ mới ký biên bản thỏa thuận, thuận tình ly hôn, sau khi người chồng níu kéo vợ không thành.
Cán bộ tòa án cho biết: Người chồng quê Phú Vang, trước đây vào Quảng Ngãi mưu sinh bằng nghề thợ nề, gặp vợ trong đó. Sau thời gian tìm hiểu, yêu đương, trở thành vợ chồng và sinh con được 3 tháng thì cả gia đình nhỏ về Phú Vang chung sống cùng mẹ chồng. Vợ trẻ ôm con dại nên ở nhà nội trợ. Chồng tiếp tục đi làm thợ ở tỉnh xa. Đến nay, vợ chồng có 2 con chung, cháu trai lớn 4 tuổi, cháu gái nhỏ hơn 1 tuổi. Người vợ làm công nhân. “Lẽ ra họ là một gia đình trọn vẹn. Thế nhưng, những lời trình bày của đôi vợ chồng này trong các cuộc hòa giải đã “phơi bày” câu chuyện buồn mà kết cục không thể cứu vãn hôn nhân”. Cán bộ tòa án trầm giọng.
Từ khi dắt díu vợ con về quê, người chồng đi làm nhưng không gửi tiền cho vợ. Người chồng trình bày, có lần nhận tin nhắn của chị dâu vợ, hỏi “chú kiếm được khá lắm hay sao mà thấy cô gửi nhiều tiền về cho nhà ngoại”. Nghi ngờ vợ tuồn của nả về cho gia đình bên ngoại nên người chồng “cắt nguồn” luôn, chỉ đưa tiền cho mẹ ruột lo chi phí cuộc sống.
Người vợ trình bày: Chị chưa bao giờ nhận đồng tiền nào của chồng. Đang ở nhà nuôi con nên càng không có thu nhập. Hôm giỗ bố ruột, chị gửi cho mẹ 500 nghìn đồng, là số tiền chị nhịn ăn sáng thời gian dài, gom góp mới có được. Chồng lấy cớ không tin tưởng vợ, nhưng sâu xa, vì chồng sa vào cờ bạc nên chẳng có tiền gửi về nhà. Để có tiền đóng góp sinh hoạt cho mẹ chồng, chị đi rửa chén bát thuê trong các quán ăn, một ngày “chạy sô” mấy quán, đêm muộn mới về đến nhà. Chồng không quan tâm, thiếu trách nhiệm trong cuộc sống kinh tế, mỗi lần về nhà lại còn đánh đập chị.
Bây giờ sau khi cố gắng trở thành công nhân lành nghề, kiếm được mỗi tháng 5-6 triệu đồng, tự tin có thể nuôi con nên chị nhất quyết yêu cầu được ly hôn, mong có cuộc sống yên ổn. Không phản bác lời trình bày của vợ, đồng nghĩa với việc thừa nhận đã thường xuyên thực hiện hành vi bạo hành, người chồng ngậm ngùi chấp nhận kết cục đổ vỡ gia đình, khi tình cảm người vợ đã “chết”.
2. Trót mang thai khi còn là sinh viên sư phạm mầm non, cô gái xinh xắn ấy về nhà chồng lúc tuổi đời còn rất trẻ. Thai đôi khiến cô mệt mỏi với bụng bầu nặng nề, bù lại là niềm hạnh phúc nhân đôi khi hai đứa con trai kháu khỉnh, khỏe mạnh cất tiếng khóc chào đời. Nhưng thật không ngờ, do dáng người vốn dĩ nhỏ nhắn, cái thai đôi lại quá lớn nên sau khi sinh xong, vùng bụng người mẹ trẻ bị chảy sệ. Vì điều đó, chồng cô chê bai ra mặt, hoàn toàn lạnh nhạt với vợ. Đến ngay cả nói chuyện với nhau, anh ta cũng không muốn. Với cô, đó là sự thiếu trách nhiệm, sự bạo hành về tinh thần rất nặng nề. Tình cảm vợ chồng vì thế mà “đóng băng”. Để chủ động cuộc sống, tự tin nuôi con, cô nỗ lực đi học lại. Được nhận vào dạy trong một trường mầm non, cuộc sống ổn định, cô “nhờ” tòa án “khai tử” hôn nhân, với nguyện vọng được nuôi cả hai con. Người chồng cũng “giành giật” con nên tòa án phải đưa ra xét xử.
Tòa án luôn cân nhắc bảo vệ quyền lợi của trẻ chưa thành niên trong những cuộc ly hôn, bởi khi cha mẹ chia tay, con cái hứng chịu thiệt thòi nhiều nhất. Ly hôn vì nguyên nhân chồng không quan tâm, thậm chí ngược đãi, bạo hành vợ về thể xác hoặc tinh thần là một thực trạng đáng buồn
Quỳnh Anh