Trái tim tôi ở Hội An (250 trang) gồm có bảy truyện, trong đó có ba tryện ngắn miêu tả trực tiếp về đất và người Hội An, nơi mà từ những năm đầu thế kỷ XVII, những nhà sáng lập ra chữ quốc ngữ đều lấy giọng nói nơi đây làm ngữ liệu.
Tập truyện Trái tim tôi ở Hội An. Ảnh: Internet |
Hà Khánh Linh không phải là nhà nghiên cứu văn hóa, mà là nhà văn, nhà nghệ thuật ngôn từ, nhưng chị viết về xứ Quảng bằng tâm thức của một nhà văn hóa, bằng cảm quan văn hóa sinh thái, dưới góc nhìn địa văn hóa và quan trọng hơn là bằng tâm hồn, bằng trái tim của một người phụ nữ Huế. Những giả thuyết, những chi tiết lịch sử, dĩ nhiên không phải là phát hiện mới mẻ, nhưng bỏ qua câu chuyện tự sự và những giá trị hình tượng sống động, nhất là hình tượng con người đậm đặc chất Quảng Nam “hết sức ương ngạnh, nhưng lại có tâm với dân với nước” (tr.237) như ông Hà Thản, thì những chi tiết mang đậm bản sắc văn hóa trên đây, tôi tin chắc rằng không phải bất kỳ người Quảng Nam nào hiện nay cũng biết.
Đúng như cách gọi của tác giả là tập truyện, bốn truyện còn lại là những truyện vừa, hay như cách gọi gần đây của các nhà lý luận là truyện ngắn có dung lượng tiểu thuyết, cũng có viết về Hội An, nhưng mở rộng ra đến Đà Nẵng, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, Tam Kỳ, chiến trường Tây Quảng Nam, thậm chí cả Huế, Thanh Hóa, Hà Nội, Sài Gòn, ra đến tận Côn Đảo: về cuộc sống của những đứa con của những người lao công đào binh trong quân đội Sài Gòn bị nhiễm chất độc màu da cam (Những thiên thần trong hố rác); chân dung người trí thức cách mạng kiên cường trong chiến đấu, sáng tạo trong hoạt động chuyên môn và dũng cảm, hy sinh, vì tình yêu thương đồng chí đồng đội và đồng loại (Bác sĩ Phan Sung); chuyện về những mối tình đắm đuối đã đi qua trong chiến tranh, có sự can dự và chứng kiến của nhiều thế hệ (Nối dài thương nhớ, Trinh Nguyên). Kết cấu truyện của Hà Khánh Linh tương đối đơn giản, luôn mở đầu bằng thì hiện tại - hồi ức về quá khứ - quay về với hiện tại rồi mơ ước về tương lai, nhằm nêu bật một chủ đề chính là những cuộc gặp gỡ sau chiến tranh, với bao cảnh ngộ đớn đau, những cuộc hạnh ngộ cuối cùng không thoát khỏi những chấn thương mất mát. Cái mới của chị, chính là ở quan niệm nghệ thuật về con người và lý tưởng thẩm mỹ đã có nhiều vận động thay đổi. Chị đã thoát khỏi đường mòn của một thứ chủ nghĩa hiện thực khô cứng, cứ ta thắng địch thua, con người phe ta phải là người tốt, còn phe địch phải xấu.
Những nhân vật lý tưởng, đáng yêu trong tập sách như Hoàng Mai, Chí Thành (Bắp nếp Hội An), Nhu Hiên, Pierre, bé Trâm (Những thiên thần trong hố rác), Sỹ Hùng, Vĩnh Trinh, Nhâm (Trinh Nguyên), Hoài Thu, Kiên Định, Quý Định (Nối dài thương nhớ), Phan Sung (Bác sĩ Phan Sung), Hà Thản (Dưới chân tháp Bằng An)... là những con người, xuất phát từ đời sống thực của con người, cũng không ít những nhược điểm, nhưng họ sống có tâm hồn và hành động vì bản chất người của con người chứ không vì một thứ lý tưởng cao xa nằm bên ngoài tầm tay với. Đó cũng chính là động lực, là mục tiêu, tạo thành cảm hứng chủ đạo thôi thúc nhà văn cầm bút, như chính chị đã từng thổ lộ quan điểm nghệ thuật của mình in kèm ở trang bìa cuốn sách: “Tôi không coi công việc sáng tác văn học là một “nghề” mà là một cách sống, một thái độ ứng xử...”
Nhà văn là nhà sáng tạo ngôn từ. Hà Khánh Linh là người đã sớm tạo dựng cho mình một giọng điệu văn chương riêng, theo lối nói trực tiếp, không màu mè, khách khí, trong cả ba phương thức biểu hiện như giọng điệu miêu tả, giọng điệu trần thuật và giọng điệu nhân vật. Ưu điểm dễ nhận ra là giọng điệu giàu sức biểu cảm, bộc lộ rõ cảm xúc, tình cảm nồng nàn của đời sống. Nhất là ở tập sách này, phải nói chị am hiểu đến tường tận lời ăn tiếng nói, văn học dân gian như ca dao hò vè và quan trọng hơn là đời sống tinh thần, đời sống tâm lý của con người xứ Quảng. Nhưng cũng chính vì thế mà đôi chỗ, đôi nơi thiếu sự gọt giũa, để ít nhiều dấu vết của giọng văn nói lấp ló trong trang văn.
Đây là tập sách thứ 24 của Hà Khánh Linh, cũng là tập sách đánh dấu một chặng đường dài tròn bốn mươi năm cầm bút của chị, kể từ tiểu thuyết đầu tay Thúy (1973) đến nay.