Bệnh nhân và y tá tại một bệnh viện ở thành phố Bougouni, Mali. Ảnh: UNICEF

Theo đó, Tuyên bố Astana đã được đưa ra tại Hội nghị toàn cầu về chăm sóc sức khỏe ban đầu, diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan từ ngày 25-26/10.

Bên cạnh việc tái khẳng định Tuyên bố Alma-Ata năm 1978 lịch sử, tuyên bố đầu tiên mà các nhà lãnh đạo thế giới đạt được về chăm sóc sức khỏe ban đầu, Tuyên bố Astana vừa được thông qua cũng nhằm mục đích giúp thế giới đạt được mục tiêu phát triển bền vững số 3: “Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi”.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay: “Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm để đảm bảo rằng, tuyên bố ngày hôm nay về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho phép mọi người, ở khắp mọi nơi thực hiện quyền cơ bản của họ đối với sức khỏe".

Trong đó, các bên ký kết tuyên bố cam kết 4 lĩnh vực chính, bao gồm: lựa chọn chính trị mạnh mẽ đối với sức khỏe được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực; xây dựng chăm sóc sức khỏe ban đầu bền vững; trao quyền cho các cá nhân và cộng đồng; và điều chỉnh sự hỗ trợ của các bên liên quan đến chính sách, chiến lược và kế hoạch quốc gia.

Hội nghị toàn cầu về chăm sóc sức khỏe ban đầu được đồng tổ chức bởi WHO, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Chính phủ Kazahstan. Sự kiện được WHO mô tả là "quan trọng", thu hút sự tham gia của các Bộ trưởng Chính phủ từ khắp nơi trên thế giới, các nhân viên y tế, nhà hoạt động và nhà lãnh đạo xã hội dân sự và khu vực tư nhân.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ UN News)