Thị trường nhà ở của Mỹ vẫn kém sinh động mặc dù nền kinh tế tăng trưởng mạnh. Ảnh: AFP 

Theo đó, GDP tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 3,5% trong giai đoạn từ tháng 7-9, so với mức 4,2% trong quý trước đó. Kết quả đánh dấu giai đoạn 6 tháng mạnh mẽ nhất kể từ giữa năm 2014.

Các quan chức nói thêm, kết quả GDP cũng phản ánh những thiệt hại từ cơn bão Florence, nhưng họ không thể ước tính chính xác tác động đến tăng trưởng.

Người tiêu dùng và các công ty vẫn được hưởng tăng trưởng tiền mặt từ việc cắt giảm thuế, theo Bộ Thương mại Mỹ. Tiêu dùng cá nhân tăng 4%, đánh dấu mức nhanh nhất kể từ cuối năm 2014.

Căng thẳng thương mại tác động đến tăng trưởng

Tuy nhiên, những con số mới nhất cũng cho thấy dấu hiệu tiếp tục của những căng thẳng thương mại. Các nhà kinh tế nói rằng, điều này đặt ra một nguy cơ cho tăng trưởng và khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cắt giảm dự báo GDP toàn cầu trong năm 2019.

Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, xuất khẩu đậu nành của Mỹ giảm mạnh, tác động lên tăng trưởng. Trong khi đó, hàng nhập khẩu của Mỹ tăng mạnh, chủ yếu là do sức mua ô tô và hàng tiêu dùng.

Tổng xuất khẩu giảm 3,5%, mức giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2016, trong khi nhập khẩu tăng 9,1%, mức tăng nhanh nhất kể từ cuối năm ngoái.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chi tiêu ít hơn trong việc xây dựng các nhà máy và văn phòng so với trước đây, trong bối cảnh đầu tư vào các công trình xây dựng giảm 7,9%, mức giảm lớn nhất trong gần 3 năm.

Thị trường nhà ở cũng kém sinh động, giảm 4% so với quý trước đó, mức sụt giảm mạnh nhất trong hơn một năm.

Thanh Ngân (Lược dịch từ AFP)