Ngày 27/10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016 - 2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH 13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Toàn cảnh phiên họp sáng 27/10. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng ổn định

Giải trình trước Quốc hội một số nội dung liên quan đến đề án tái cơ cấu của ngành công nghiệp-thương mại, về 12 dự án kém hiệu quả đang xử lý, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Đề án tái cơ cấu trong các lĩnh vực công nghiệp-thương mại, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ về tổ chức thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

Trong lĩnh vực công thương có 9 nhiệm vụ lớn trong đề án tái cơ cấu. Theo đó, lĩnh vực công nghiệp-thương mại đã có sự tăng trưởng, đáp ứng được mục tiêu cơ cấu lại trong các lĩnh vực của kinh tế về mục tiêu cũng như thương mại, đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế, công nghiệp-thương mại và GDP.

Trong cơ cấu công nghiệp, thì công nghiệp chế biến chế tạo là nền tảng và động lực quan trọng cho các phát triển công nghiệp và kinh tế. Năm 2016, ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam tăng trưởng ở mức 11,9%, đến năm 2017 tăng lên 14,4% và trong 9 tháng đầu năm 2018 ở mức 13%. Tỷ trọng của công nghiệp chế biến chế tạo trong cơ cấu hàng xuất khẩu đã có bước tăng mạnh, từ 61% của năm 2011 nay đã lên đến hơn 82% trong 9 tháng đầu năm2018.

Trong các phân ngành của chế biến chế tạo, nhiều lĩnh vực đã có sự tăng trưởng ổn định ở mức hai con số như: điện thoại thông minh, chế biến thủy sản, thực phẩm, phương tiện thiết bị vận tải ô tô, da giày.

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu như: Ngành dệt may đứng thứ 7 thế giới về xuất khẩu, da giày đứng 3 thế giới về sản xuất và đứng thứ 2 về xuất khẩu... Qua đó, Việt Nam vươn lên đứng thứ 27 trong số các quốc gia xuất khẩu trên thế giới.

Nhiều doanh nghiệp chế biến chế tạo đã gây dựng được uy tín trên thị trường như: Ở ngành công nghiệp chế tạo ô tô là Vingroup, Trường Hải, Thành Công; sữa và thực phẩm là Vinamilk, TH Truemilk... Cùng với đó là các lĩnh vực hóa chất, sắt thép kim loại.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, mặc dù đầu tư nước ngoài vẫn còn vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế và xuất khẩu nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn có sự phát triển mạnh mẽ, tích cực với mức tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 17,8%. Điều này cho thấy có sự chuyển dịch tích cực, hiệu quả của chính sách liên kết từng bước giữa khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước đặc biệt là ở chuỗi công nghiệp phụ trợ gắn với doanh nghiệp FDI.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch lại không gian lãnh thổ công nghiệp để cùng hình thành các khu công nghiệp tập trung trong khu vực lớn đã có hiệu quả như: Lĩnh vực dệt may ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ; cơ khí ô tô ở Khu công nghiệp Chu Lai; lĩnh vực điện tử tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long.

Tỷ trọng cơ cấu xuất khẩu cũng có sự chuyển biến tích cực. Các ngành công nghiệp chế biến chế tạo và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao đã khẳng định vị thế của mình với đóng góp ngày càng lớn hơn cho cơ cấu xuất khẩu và nguồn thu của ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, không còn thị trường nào dễ tính. Các thị trường quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt là đối với hàng nông nghiệp, thủy hải sản. Vì vậy các hàng rào kỹ thuật là những yêu cầu đầu tiên để vươn ra thị trường thế giới.

Đây là nhiệm vụ lớn để có thể tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới trong tổng thể của tái cơ cấu nền kinh tế cũng như tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thời gian tới, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo thực hiện đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu nền kinh tế theo yêu cầu, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc chiến tranh thương mại phức tạp.

Kết thúc xử lý 12 dự án yếu kém vào năm 2020

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Chia sẻ phản ánh của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre về 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Bộ Công Thương thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội về 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương. 

Theo đó, Bộ Công Thương đã triển khai tích cực, đồng bộ và toàn diện đề án Chính phủ đã phê duyệt để khắc phục những tồn tại của 12 dự án kém hiệu quả. Theo lộ trình, trong hai năm 2018 - 2019 sẽ xử lý tương đối toàn diện tất cả các vấn đề tồn tại của 12 dự án này để kết thúc vào năm 2020.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, công tác xử lý được phân định với 4 nguyên tắc lớn. Đó là, tất cả các dự án này phải được triển khai thực hiện trong khuôn khổ luật pháp; đảm bảo đúng nguyên tắc của thị trường, không có câu chuyện tiếp tục thêm vốn, trợ cấp vốn từ ngân sách nhà nước; đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các chủ đầu tư, các doanh nghiệp; phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế.

Đến nay, một số dự án đã có kết quả tương đối tích cực. Đối với 6 dự án phải dừng kinh doanh, có 2 nhà máy là Nhà máy sản xuất phân bón DAP Hải Phòng và Nhà máy Thép Việt Trung đã có lãi. 4 dự án còn lại đã từng bước khôi phục hoạt động, dần có lãi.

Riêng đối với dự án nhiên liệu sinh học của Phước Hậu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, dự án này có những vấn đề liên quan đến công nghệ, quản lý, thậm chí liên quan đến việc vi phạm pháp luật ở nhiều khía cạnh, mức độ.

Đến nay, dự án này đã có sự tham gia vào cuộc của các cơ quan điều tra của Bộ Công an cũng như các kết luận của Thanh tra Chính phủ. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật và báo cáo tới Quốc hội, với mục tiêu giải quyết đồng bộ, đảm bảo công bằng trước pháp luật...

Theo TTXVN