Nhân viên Thú y huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) phun tiêu độc, khử trùng tại chuồng nuôi lợn của người dân nhằm phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN

Dịch tả lợn châu Phi có thể xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động như: vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và tại các địa phương có chăn nuôi lợn với số lượng lớn, địa phương có nhiều khách du lịch đến từ các nước, các vùng có dịch bệnh.

Cục Thú y đang triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam. Cục Thú y cũng đã thành lập các đội phản ứng nhanh để thường xuyên đến các địa phương hướng dẫn, tổ chức triển khai các hoạt động phòng bệnh.

Bên cạnh đó, nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới; Tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.

Đồng thời, tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam; Tổ chức kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín đến Việt Nam.

Cục Thú y cũng yêu cầu lực lượng thú y hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì cần lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật) để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh; cần tập trung đối với đàn lợn tại các địa phương giáp biên giới, tại các địa phương có nhiều khách du lịch và có phương tiện vận chuyển đến từ nước đang có bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đồng thời, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam; các loại lợn phát hiện bị bệnh, nghi bị bệnh tại các điểm, cơ sở giết mổ lợn hoặc trong quá trình vận chuyển; các sản phẩm thịt lợn đông lạnh, thịt lợn tươi, giăm bông, xúc xích...; Xét nghiệm bổ sung để xác định bằng chứng của vi rút dịch tả lợn châu Phi ở tất cả các mẫu bệnh phẩm của lợn được các tổ chức, cá nhân gửi đến các phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y từ đầu năm 2018 đến nay.

Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), tính từ ngày 3/8/2018 đến ngày 25/10/2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có hơn 49 ổ dịch xuất hiện tại các tỉnh bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô, Chiết Giang, Cát Lâm, Thiên Tân, Sơn Tây, Vân Nam (tỉnh tiếp giáp với các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam).

Gần đây, ngày 25/10/2018 theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc báo cáo đã xuất hiện thêm 1 tỉnh xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi là tỉnh Quý Châu ở Tây Nam Trung Quốc, nâng tổng số lên 13 tỉnh, thành phố và khu tự trị ghi nhận có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng, đã có trên 210.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy tại Trung Quốc.

Theo TTXVN